Thứ bảy, ngày 22 tháng 02 năm 2025
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Trong tháng:

Tất cả:

Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
Cập nhật lúc: 13/12/2017

Anh Lương Văn Dũng khởi nghiệp với mô hình rượu cần Thái Tây Nguyên

Trong những năm qua, phong trào thanh niên "lập thân, lập nghiệp", phát triển kinh tế trên địa bàn huyện đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương đoàn viên-thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu làm kinh tế giỏi. Anh Lương Văn Dũng sinh 1991 dân tộc Thái ở buôn Thái xã Ea Kuếh là một trong những tấm gương như thế với mô hình rượu cần Thái Tây Nguyên.

Anh Lương Văn Dũng cho biết: Gia đình anh có truyền thống nấu rượu cần, nên từ nhỏ anh đã được tiếp xúc cũng như được học về cách nấu rượu cần của dân tộc mình. Ban đầu, việc nấu rượu cần chủ yếu để phục vụ nhu cầu mua bán nhỏ lẻ của những người dân trong buôn, hay chỉ đáp ứng thị hiếu của bạn bè, đồng nghiệp khi muốn thưởng rượu cần Thái có gì khác so với rượu cần truyền thống của người Êđê. Dần dần, rượu cần Thái của gia đình anh Dũng càng có nhiều người biết đến với nhu cầu ngày càng tăng. Vì vậy, anh Dũng bắt đầu nảy sinh ý định "lập thân, lập nghiệp" phát triển kinh tế bằng mô hình sản xuất rượu cần Thái Tây Nguyên. Năm 2015 người thanh niên Lương Văn Dũng lên các kế hoạch thực hiện việc sản xuất rượu cần Thái để cung cấp cho thị trường. Bước đầu, việc khởi nghiệp của anh Dũng gặp không ít những khó khăn nhất định. Anh Lương Văn Dũng ở buôn Thái xã Ea Kuếh nói: Khi bắt đầu thực hiện mô hình sản xuất rượu cần Thái khôi phục lại bản sắc văn hóa dân tộc mình trên mảnh đất Tây Nguyên thì ban đầu gặp rất nhiều khó khăn về vốn, kinh nghiệm sản xuất rượu cần, một số thiết bị phục vụ sản xuất rượu cần không có trên địa bàn tỉnh mà phải nhập từ các tỉnh thành khác, thỏa thuận được giá thành với số lượng ché lớn gặp khá nhiều khó khăn.

Anh Lương Văn Dũng với mô hình lập nghiệp Rượu cần Thái Tây Nguyên 

Với những khó khăn ban đầu vấp phải, anh Dũng không nản chí và tìm các giải pháp để khắc phục. Ngoài việc học tập các kinh nghiệp của các thành viên trong gia đình để đảm bảo rượu cần Thái ở Tây Nguyên có hương vị của rượu cần Thái quê hương, anh Dũng còn tích cực học hỏi thêm những người trong buôn đã có bề dày kinh nghiệm nấu rượu cần. Từ nguồn vốn tích lũy và vay mượn thêm của người thân, cùng với sự giúp đỡ của tổ chức Đoàn cho vay từ quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, anh Dũng đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất rượu cần với diện tích 60m2, đồng thời mua sắm và nhập các trang thiết bị phục vụ cho việc sản xuất rượu cần. Do không tự sản xuất được ché rượu cần, anh đã tìm hiểu về những cở sở làm ché đạt chất lượng và thuyết phục họ để lấy sĩ với giá thành thấp. Còn men lá làm rượu cần được anh nhập từ quê hương ở huyện Tương Dương tỉnh Nghệ An. Anh Lương Văn Dũng ở buôn Thái xã Ea Kuếh cho biết: Kinh phí ban đầu đầu tư làm cơ sở sản xuất rượu cần của anh lên đến 100 triệu đồng. Rượu cần Thái có 3 thành phần chính gồm gạo nếp, trấu nếp và men lá. Để làm ra được một ché rượu cần Thái ngon thì phải chọn được loại gạo nếp ngon, dẻo và men lá đặc trưng của dân tộc Thái. Anh Lương Văn Dũng ở buôn Thái xã Ea Kuếh chia sẻ: Mình sẽ tiến hành các công đoạn sàn trấu rồi rửa trấu cho sạch và để ráo, lấy nếp ngâm trong thời gian 1 ngày rồi đưa nếp ra cho ráo nước. Tiếp theo trộn nếp với trấu lại rồi đưa vào nồi hấp theo từng mẻ. Khi các mẻ chín thì đưa ra ngoài để nguội, sau đó trộn với men lá. Sau khi trộn men xong, ta ủ thêm một đêm để rượu lên men rồi mới đưa vào ché và đóng gói sản phẩm.

Số lượng rượu cần sản xuất trong năm tùy theo vào nhu cầu của thị trường, đặc biệt là thời điểm giáp Tết. Việc sản xuất rượu cần Thái của anh Dũng chủ yếu gồm 03 thành viên trong gia đình, nhưng khi nhu cầu sản xuất với số lượng lớn thì cở sở của anh thuê thêm 03 lao động làm theo thời vụ để kịp tiến độ. Ché rượu cần có nhiều thể tích khác nhau, từ 03 lít đến 30 lít, giá thành giao động từ 120.000đ đến 1,5 triệu đồng/ché với thời gian sử dụng 24 tháng. Hiện nay, sản phẩm rượu cần Thái Tây Nguyên của anh Dũng đã được cấp giấy phép sản xuất-kinh doanh và cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, thương hiệu đặc sản rượu cần Thái Tây Nguyên của anh Dũng chưa được vươn xa, chủ yếu thông qua một vài đại lý phân phối và các cửa hàng trưng bày các sản phẩm truyền thống dân tộc trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, anh Dũng hiện đang tích cực làm công tác quảng bá thương hiệu đến với người tiêu dùng trong cả nước và đầu tư xây dựng 01 cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm đặc sản rượu cần Thái Tây Nguyên tại thôn 15, xã Ea Kuếh. Anh Lương Văn Dũng, buôn Thái xã Ea Kuêh nói: Rượu cần Thái Tây Nguyên hiện nay chưa thật sự được nhiều người biết đến, vì vậy mình đang tích cực đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu tại tỉnh Đăk Lăk và một số tỉnh thành khác. Mình đã xây dựng kế hoạch giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội, các đại lý phân phối sản phẩm rượu cần và đăng ký bán sản phẩm tại các gian hàng hội chợ, triển lãm để đưa sản phẩm rượu cần Thái Tây Nguyên đến người tiêu dùng… Nhận xét về mô hình "lập thân, lập nghiệp", phát triển kinh tế từ việc sản xuất rượu cần Thái Tây Nguyên của đoàn viên Lương Văn Dũng, anh Y San - Bí thư đoàn xã Ea Kuếh nói: Đây là mô hình phát triển kinh tế rất thiết thực, quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc trên địa bàn xã Ea Kuếh. Là cơ sở để đoàn viên-thanh niên trên địa bàn xã thấy được mô hình "lập thân, thân nghiệp" phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Thời gian tới, Đoàn xã sẽ chủ động vận động đoàn viên thanh niên trên địa bàn xã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm mô hình của đoàn viên Lương Văn Dũng đã thực hiện. Đồng thời nhận ủy thác nguồn vốn vay từ Phòng giao dịch Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội huyện và nguồn vốn vay quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Huyện đoàn để hỗ trợ cho đoàn viên-thanh niên niên có nhu cầu vay vốn "lập thân, lập nghiệp".

Không những có nguồn thu nhập ổn định bình quân mỗi tháng đạt trên 10 triệu đồng từ sản xuất rượu cần (sau khi trừ chi phí đầu tư), anh Lương Văn Dũng ở xã Ea Kuếh còn có nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm từ 05 sào cà phê trồng xen hồ tiêu và 01 ha điều. Nhờ mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm để "lập thân, lập nghiệp" - tại Ngày hội Thanh niên nông thôn và tuyên dương các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi năm 2017 (do tỉnh Đoàn phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk tổ chức), anh Lương Văn Dũng buôn Thái xã Ea Kuếh là 01 trong 02 tấm gương thanh niên tiêu biểu của huyện Cư M'gar vinh dự được Ban thường vụ tỉnh Đoàn tặng Bằng khen "Thanh niên Nông thôn thi đua, sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh Đắk Lắk" năm 2017./.

H Xiu

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang