Bệnh sốt xuất huyết ở xã Cư Suê đã “hạ nhiệt” nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại
Trong thời gian qua, xã Cư Suê đã tập trung tăng cường các biện pháp phòng-chống bệnh sốt xuất huyết và số người mắc bệnh sốt xuất huyết đã bắt đầu "hạ nhiệt". Tuy nhiên, nhiều người dân nơi đây vẫn chưa thực sự hiểu hết mức độ nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết nên vẫn còn thờ ơ và chủ quan trong công tác phòng bệnh, do vậy nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn đang ở mức cao.
Từ đầu năm 2016 đến nay, xã Cư Suê đã ghi nhận được 05 ổ dịch sốt xuất huyết với 64 trường hợp mắc bệnh ở 100% các thôn-buôn trên địa bàn, đặc biệt số ca mắc bệnh tập trung chủ yếu tại các khu dân cư có đông đồng bào dân tộc thiếu số sinh sống. Được biết, thời gian qua, buôn Sút M'rư là điểm "nóng" của xã Cư Suê về số ca mắc bệnh sốt xuất huyết, với 19 trường hợp mắc bệnh, chiếm tỷ lệ gần 30% tổng số ca ghi nhận mắc bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn của xã. Riêng từ đầu tháng 11/2016 đến nay, xã Cư Suê đã ghi nhận có 07 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết mới, bình quân gần 3,6 ngày mới có 01 trường hợp mắc bệnh.
Đoàn công tác của UBND tỉnh kiểm tra thực tế tại các hộ gia đình buôn Sut M'rư
Tuy số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn xã Cư Suê đã bắt đầu chững lại, nhưng mới đây, trong đợt kiểm tra của đoàn công tác UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Trung Thành – Phó giám đốc Sở Y tế làm trưởng đoàn cho thấy: Mặc dù các thôn-buôn thường xuyên thực hiện tổng vệ sinh môi trường và có tổ xung kích diệt lăng quăng-bọ gậy hoạt động, nhưng chỉ số lăng quăng-bọ gậy phát hiện vẫn mở mức cao. Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra thực tế tại 07 hộ gia đình ở buôn Sút M'rư. Qua kiểm tra cho thấy, người dân còn khá chủ quan, chưa tự giác tiến hành diệt lăng quăng-bọ gậy, có gần 60% số hộ gia đình phát hiện có nhiều vật dụng như: chai, lọ, lốp xe không còn sử dụng trong vườn nhà…có đọng nước, phát hiện nhiều lăng quăng-bọ gậy và muỗi (sinh vật chính lây truyền bệnh sốt sốt huyết). Do vậy, khả năng bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết nơi đây là điều không thể tránh khỏi nếu như địa phương không có các biện quyết liệt hơn trong công tác pháp phòng-chống bệnh dịch.
Lãnh đạo xã Cư Suê cho biết: thời gian qua, địa phương đã tập trung đẩy mạnh thực hiện công tác phòng-chống bệnh sốt xuất huyết. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền về nguyên nhân, cách nhận biết và các biện pháp phòng-chống bệnh, nhằm nâng cao ý thức, sự hiểu biết của người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, từ nhận thức chuyển sang hành động thì còn bỏ ngỏ, nhiều người dân vẫn quen tích trữ nước trong các lu, thùng phi và bể nước mà không có nắp đậy để muỗi sinh sản, quanh nhà vẫn còn nhiều vật phế thải chứa nước đọng chưa được xử lý nên muỗi vào đẻ trứng và sinh nhiều lăng quăng-bọ gậy. Từ đầu năm 2016 đến nay, xã Cư Suê đã tổ chức được 03 đợt tổng vệ sinh môi trường; các tổ xung kích diệt lăng quăng-bọ gậy đã tiến hành tổ chức kiểm tra được 1.035/2.338 hộ gia đình ở các thôn-buôn. Qua đó đã phát hiện tại 285 hộ gia đình có các dụng cụ chứa nước có chỉ số lăng quăng-bọ gậy cao.
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân xử lý lăng quăng (bọ gây)
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, hiện vẫn chưa có vắt xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phun hóa chất chỉ là biện pháp tình thế. Vì vậy để phòng-chống bệnh sốt xuất huyết một cách hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế và chính quyền địa phương, thì người dân cần phải chủ động triển khai thực hiện ngay các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cho chính gia đình mình, bằng cách thường xuyên ra quân dọn vệ sinh môi trường, thau rửa các vật dụng chứa nước không để cho muỗi có nơi sinh sản và phát triển để lây truyền bệnh sốt xuất huyết./.
S.Pa