Bệnh viện cây trồng - cầu nối để nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững
Cây trồng cũng như vật nuôi, cần được các bác sỹ chăm sóc, phòng và điều trị bệnh để sống khỏe mạnh, tốt tươi, cho sản phẩm đảm bảo chất lượng. Chính vì vậy việc Bệnh viện cây trồng được thành lập tại huyện Cư M'gar là điều kiện thuận lợi để bà con nông dân có điều kiện chăm sóc các loại cây trồng tốt hơn, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững.
Hiện nay, huyện Cư M'gar có diện tích tự nhiên 82.443 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm 75,3% và phần lớn là đất đỏ ba zan (chiếm 70% diện tích đất nông nghiệp). Đại đa số nhân dân trên địa bàn sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp với nhóm cây trồng chủ lực là cà phê, hồ tiêu, cao su. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng-chính quyền, sự cần cù, nỗ lực của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, sản xuất nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá cao, các tiến bộ KHKT được áp dụng đại trà trong sản xuất. Tuy nhiên, những năm gần đây, do thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, người dân lạm dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, nên chu kỳ kinh doanh của cây trồng bị giảm sút, đất nhanh bạc màu và bị thoái hóa. Cùng với đó là các nhóm bệnh trên cây trồng ngày càng phát triển, gây thiệt hại lớn cho người nông dân. Điển hình như trên cây hồ tiêu thì xuất hiện bệnh chết nhanh, chết chậm; cây cà phê xuất hiện các bệnh hại bộ rễ, dẫn đến vàng lá, còi cọc. Trong quá trình sản xuất, bà con nông dân khi thấy cây trồng bị bệnh thường đến các đại lý thuốc bảo vệ thực vật để mô tả bệnh và mua thuốc về điều trị. Nhiều trường hợp bà con nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng thuốc, không theo chỉ dẫn liều lượng, không đúng lúc nên cây trồng bị kháng thuốc, dẫn đến cây trồng bị suy kiệt, thậm chí bị chết.
Điển hình như vào tháng 7/2016, gia đình ông Nguyễn Sỹ Tuệ ở thôn Thạch Sơn ở xã Ea MDroh phản ánh có 300 trụ hồ tiêu của gia đình bị cháy đen, rụng chùm quả sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật và phân bón lá cao cấp. Và mới đây vào ngày 21/8/2016 anh Phạm Quang Trung ở thôn 5 xã Ea Tar phản ánh gần 1.000 trụ tiêu của gia đình có hiện tượng cháy lá non, rụng chùm quả và héo dần sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật và phân bón lá cao cấp. Qua phản ánh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk đã lấy mẫu dung dịch trong bồn phun, trên lá, thân của cây hồ tiêu gửi đi xét nghiệm và kết quả cho thấy: Mẫu thuốc bảo vệ thực vật người dân mua trên thị trường đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, dung dịch thuốc bảo vệ thực vật và mẫu thuốc tồn dư có lẫn hoạt chất Paraquat (đây là hoạt chất của thuốc trừ cỏ). Cho dù kết quả kiểm tra có như thế nào, thì phần thiệt hại vẫn thuộc về bà con nông dân. Đây chỉ là 02 trong rất nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng kỹ thuật, gây thiệt hại về kinh tế gia đình, cũng như ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe cây trồng… Chính vì vậy, nhằm tạo điều kiện cho bà con nông dân trên địa bàn huyện có điều kiện chăm sóc cây trồng, Bệnh viện cây trồng thành lập và có trụ sở tại huyện Cư M'gar là địa điểm để người dân mang mẫu vật các loại cây trồng mắc bệnh tới nhờ các chuyên gia bảo vệ thực vật kiểm tra, kê đơn thuốc chữa trị, cũng như tư vấn cách phòng trừ hiệu quả các loại bệnh hại trên cây trồng.
Lợi ích là như vậy, tuy nhiên Bệnh viện cây trồng tại huyện Cư M'gar thành lập đã hơn một tháng nay, nhưng mới chỉ có 02 trường hợp mang mẫu bệnh cây trồng đến khám và nhờ tư vấn phòng bệnh. Nguyên nhân là do Bệnh viện cây trồng mới được thành lập, người dân chưa biết và chưa được thông tin kịp thời. Chính vì vậy, để Bệnh viện cây trồng phát huy hiệu quả, góp phần giảm sâu bệnh trên cây trồng, giúp bà con nông dân có những vụ mùa bội thu, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững - chúng tôi xin thông tin đầy đủ: Bệnh viện cây trồng tại huyện Cư M'gar được đặt tại trụ sở Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật của huyện, địa chỉ 193 Hùng Vương, thị trấn Quảng phú. Bệnh viện hoạt động vào các ngày 14 và 28 hàng tháng (nếu trùng vào ngày lễ hoặc ngày thứ bảy hay chủ nhật thì sẽ chuyển sang ngày tiếp theo). Thời gian hoạt động, buổi sáng từ 7h30 đến 11h, và buổi chiều từ 13h30 đến 17h30.
Công Phong