Chăn nuôi gia công - hướng phát triển kinh tế mới ở xã Cuôr Đăng
Những năm gần đây nhiều hộ gia đình nông dân trên địa bàn xã Cuôr Đăng đã mạnh dạn chuyển hướng sang chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp. Bước đầu đây được xem là cách chăn nuôi an toàn, người nông dân không phải lo đầu ra của sản phẩm nên ít chịu sự rủi ro, từ đó đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người chăn nuôi.
Chị Võ Thị Trúc Linh ở buôn Cuôr Đăng A xã Cuôr Đăng là một trong những hộ gia đình có thu nhập cao từ việc chăn nuôi gà gia công. Sau khi tìm hiểu, năm 2017 chị Linh đã mạnh dạn ký hợp đồng chăn nuôi gà gia công với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam. Tham gia mô hình chăn nuôi này chị Linh phải đầu tư xây dựng chuồng trại theo tiêu chuẩn của Công ty đưa ra, Công ty hỗ trợ về con giống, thức ăn, vắt xin phòng bệnh và kỹ thuật tổ chức chăn nuôi. Trang trại chăn nuôi gà của chị Linh được xây dựng xa khu dân cư có diện tích hơn 1.000 m2 với giá trị đầu tư hơn 1,7 tỷ đồng. Trang trại có quy mô nuôi mỗi lứa khoảng 19.000 con gà, từ 65 đến 70 ngày nuôi thì gà có thể xuất chuồng, bình quân mỗi con đạt trọng lượng từ 1,6 đến 1,7 kg, mỗi kg chị Linh được hưởng từ Công ty từ 4.500đ đến 5.000đ (tùy theo chất lượng của đàn gà và mức độ hao hụt con giống). Sau khi trừ chi phí đầu tư về nhân công, điện, nước…chị Linh có thu nhập mỗi lứa từ 40 đến 50 triệu đồng. Bình quân mỗi năm gia đình chị xuất chuồng được 03 lứa gà, mỗi lứa có trọng lượng đạt trên 30 tấn gà thịt và thu được khoảng 150 triệu đồng. Ngoài ra sau mỗi lứa chăn nuôi chị Linh còn thu được khoảng 20 triệu đồng từ việc bán phân gà. Trao đổi với chúng tôi, chị Võ Thị Trúc Linh ở buôn Cuôr Đăng A xã Cuôr Đăng cho biết: Trang trại của tôi chỉ có 01 người làm, khi gà mới về cần thêm người để úm gà, còn khi gà trên 14 ngày rồi thì 01 người làm thôi, rất đơn giản vì tự động hết rồi. Mình chỉ lo chăn nuôi cho tốt thôi, phòng bệnh cho gà thì đã có Công ty lo. Mình bỏ công chăn nuôi, thức ăn và khâu tiêu thụ sản phẩm đã có Công ty lo, nếu nuôi tốt, ít hao hụt con giống thì thu nhập sẽ khá cao.
Anh Nguyễn Văn Hữu (phải) đang giới thiệu về hệ thống máng ăn tự động của trang trại với đại diện Hội Nông dân xã Cuôr Ðăng
Nhận thấy việc tổ chức chăn nuôi gia công cho Công ty mang lại hiệu quả, đầu năm 2017 anh Nguyễn Văn Hữu ở thôn 2 xã Hòa Thuận thành phố Buôn Ma Thuột cùng với một số anh em hùn vốn đầu tư chăn nuôi gà gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam tại buôn Kroa C xã Cuôr Đăng. Trang trại chăn nuôi của anh Hữu có diện tích hơn 1.000 m2, trị giá đầu tư trên 1,3 tỷ đồng, trong đó 50% chi phí đầu tư cho cơ sở vật chất, 50% đầu tư cho các trang thiết bị chăn nuôi. Cũng như các hộ chăn nuôi gia công khác, trung bình 01 kg gà anh Hữu được hưởng từ 4.500đ đến 5.000đ. Như vậy mỗi lứa chăn nuôi với 18.000 con gà anh Hữu có thu nhập khoảng 150 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí thu lãi khoảng 80 triệu đồng. Thấy hiệu quả, cuối năm 2017 anh Hữu đã rủ thêm người quen tiếp tục đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi thứ 2, nâng tổng diện tích trại lên hơn 2.000 m2 với quy mô chăn nuôi mỗi lứa khoảng 38.000 con gà. Sau gần 02 năm chăn nuôi gia công, lứa gà nào anh Hữu cũng có thu nhập ổn định và được phía đối tác (Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam) thưởng vì chăm sóc tốt, độ hao hụt ít… Anh Nguyễn Văn Hữu người chăn nuôi gia công tại buôn Kroa C xã Cuôr Đăng vui vẻ nói: Chăn nuôi theo hình thức gia công đầu vào, đầu ra đều do công ty đảm bảo, người chăn nuôi cũng không phải lo sợ tình trạng được mùa, mất giá. Việc của mình chỉ là nuôi tốt, lãi ít nhưng khá an toàn.
Không riêng chị Linh, anh Hữu, nhằm đảm bảo ổn định đầu ra của sản phẩm và ít phải chịu rủi ro - nhiều hộ gia đình ở xã Cuôr Đăng đã mạnh dạn chuyển sang chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng gia công cho các Công ty. Tính đến nay trên địa bàn xã Cuôr Đăng có 12 hộ thực hiện chăn nuôi heo và chăn nuôi gà gia công cho các doanh nghiệp. Lợi thế của việc chăn nuôi theo hình thức gia công là hộ chăn nuôi được doanh nghiệp đầu tư trọn gói từ con giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh, kỹ thuật, chăn nuôi, người chăn nuôi chỉ phải đầu tư chuồng trại theo tiêu chuẩn, công chăm sóc, vệ sinh chuồng trại. Việc tiêu thụ sản phẩm đều do doanh nghiệp thực hiện, nên sau mỗi đợt xuất chuồng, nhìn chung người chăn nuôi đều có thu nhập khá ổn định, không phải lo về giá cả thị trường hay vấn đề lỗ hay lãi trong chăn nuôi... Ông Hoàng Viết Cát – Chủ tịch UBND xã Cuôr Đăng cho biết thêm: Chăn nuôi theo hình thức gia công cho doanh nghiệp bắt đầu hình thành trên địa bàn xã từ năm 2015, mới đầu chỉ có 05 trại nuôi của những hộ từ các địa phương khác khác đến mua, thuê đất để thực hiện. Đến nay toàn xã có 12 trang trại chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp, trong đó có 01 trang trại nuôi heo và 11 trang trại nuôi gà, các trang trại này đều nuôi gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam. Nhìn chung các trang trại chăn nuôi đều đảm bảo thu nhập và lợi nhuận ổn định, kể cả ở thời điểm giá cả thị trường xuống thấp. Mô hình chăn nuôi này đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Việc chăn nuôi theo hình thức gia công, các trang trại đều phải đầu tư chuồng trại theo tiêu chuẩn của Công ty, công nghệ mới bây giờ đã giải quyết rất tốt vấn đề về ô nhiễm môi trường, đây là mô hình phát triển kinh tế khá hiệu quả.
Hiện nay công tác chăn nuôi trong nhân dân luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi dịch bệnh và đầu ra của sản phẩm. Vì vậy việc liên kết thực hiện chăn nuôi gia công giữa người dân với doanh nghiệp đang là một giải pháp an toàn với thu nhập luôn được đảm bảo ổn định./.
S.Pa