Chăn nuôi gia súc, gia cầm trên đệm lót sinh học - hướng phát triển bền vững nông dân huyện CưM'gar
Ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi là phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học Balasa N01 làm đệm lót chuồng nuôi. Theo các hộ chăn nuôi, mô hình Ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp xử lý triệt để chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường.
Chúng tôi đã tới thăm trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm của anh Lưu Văn Đức ở buôn Cuôr xã Ea MDroh. Anh Đức cho biết: Năm 2014 anh bắt đầu ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo thịt; Bình quân một lứa gia đình anh nuôi 500 con heo thịt. Nuôi heo theo phương pháp ứng dụng đệm lót sinh học rất hiệu quả, đặc biệt là khi heo ở giai đoạn nhỏ. Trước đây khi chưa ứng dụng đệm lót sinh học, heo con gia đình anh bắt về thường hay bị tiêu chảy, nhưng khi nuôi theo phương pháp đệm lót sinh học thì hạn chế được vấn đề này. Bên cạnh đó, nuôi heo thịt bằng đệm lót sinh học còn rất nhiều yếu tố có lợi như tận dụng được nguồn phân để bón cho cây trồng. Đặc biệt, việc nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh học còn có một tác dụng rất lớn đó là đảm bảo môi trường sạch. Gia đình anh Đức nuôi 500 con heo thịt, bình quân 1 con heo con mới bắt về có trọng lượng khoảng 10kg, nuôi trong vòng 5 tháng có thể đạt trọng lượng từ 110 - 114kg mỗi con. Vì vậy, hàng ngày đàn heo ở trang trại gia đình anh Đức cũng thải ra môi trường một lượng lớn phân. Nhưng nhờ chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học nên đàn heo không bị bệnh, phát triển tốt và giữ môi trường sạch.
Tuy nhiên, việc chăn nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh học cũng có những mặt hạn chế, đó là: đối với Tây nguyên được chia làm 2 mùa mưa và nắng, đệm lót sinh học sinh ra nhiệt, nên nếu nuôi với lượng heo lớn, đặc biệt là vào mùa nắng thì không hiệu quả.
Anh Lưu Văn Đức cũng cho biết, việc làm đệm lót sinh học để chăn nuôi heo thịt giá cũng rất rẻ. Với chuồng diện tích 50m2 thì hộ nông dân chỉ cần khoảng 100 bao vỏ trấu (hoặc vỏ cà phê), 10kg rỉ mật, 5kg bắp bột, 10kg cám gạo... với giá khoảng gần 1 triệu đồng là bà con nông dân đã có 1 chuồng nuôi heo trên đệm sinh học.
Cùng với việc chăn nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh học, gia đình anh Lưu Văn Đức ở buôn Cuôr, xã Ea MDroh còn chăn nuôi gà thịt thả vườn trên đệm lót sinh học. Anh Đức cho biết, việc chăn nuôi gà thả vườn trên đệm lót sinh học hạn chế được nhược điểm tỏa nhiệt của đệm lót sinh học và có thể nuôi gà được vào mùa nóng. Bởi gà chỉ lúc ăn, ngủ mới vào chuồng, đồng thời gà siêng vận động nên hàng ngày ít tiếp xúc với lượng hơi nóng do đệm lót sinh học thải ra. Theo anh Đức, việc nuôi gà trên đệm lót sinh học còn mang nhiều lợi ích đáng kể: chuồng nuôi không có mùi hôi, nền chuồng luôn tơi xốp, khô ráo, gà lớn nhanh, đồng đều, tỷ lệ nuôi sống đạt 98%. Gà ít mắc bệnh đường tiêu hóa, hô hấp như tiêu chảy, cầu trùng, hen. Khả năng sinh trưởng của gà nhanh hơn, tiết kiệm chi phí thức ăn, hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi theo phương pháp thông thường.
Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm trên đệm lót sinh học đã giúp gia đình anh Đức xử lý triệt để chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao với mức thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm.
Kỹ thuật làm đệm lót sinh học để chăn nuôi rất đơn giản, dễ áp dụng, chi phí thấp, các nguyên vật liệu làm đệm lót có sẵn ở địa phương, đây là điều kiện thuận lợi cho việc nhân rộng mô hình này trong thời gian tới. Tuy nhiên để công nghệ này được nhanh chóng áp dụng rộng rãi trên địa bàn huyện Cư M'gar, các cơ uan chức năng cần xây dựng các mô hình trình diễn ở các địa phương, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời huyện Cư M'gar cần có sự hỗ trợ về chi phí làm đệm lót và tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân. Hy vọng trong thời gian tới công nghệ chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học sẽ được đầu tư và triển khai rộng khắp trên địa bàn huyện, nhằm đem lại môi trường trong sạch cho nông thôn và nâng cao hiệu quả chăn nuôi cho người nông dân./.
Công Phong