Chanh dây rớt giá, nhiều người lao đao
Thời gian qua nhiều gia đình liên tục ồ ạt mở rộng diện tích trồng chanh dây với hy vọng có thu nhập cao. Tuy nhiên trong gần 1 tháng nay, người trồng chanh dây nhận “quả đắng” khi giá chanh tụt giảm mạnh, nhiều người trồng chanh dây lao đao, “đứng ngồi không yên” vì thua lỗ.
Chanh dây rớt giá khiến người trồng lao đao
Anh Nguyễn Đình Thắng ở thôn Tiến Đạt xã Quảng Tiến trồng 400 cây chanh dây xen canh trong 1 ha vườn sầu riêng được 8 tháng. Đến nay trúng vào thời điểm thu hoạch rộ thì giá chanh dây giảm mạnh chỉ còn vài nghìn đồng/kg. Anh Thắng cho biết: Do thấy chanh dây giá cao nên gia đình cũng mua chanh dây về trồng xen trong vườn sầu riêng mới trồng để vừa làm cây che bóng mát, che gió cho cây trồng chính vừa tận dụng diện tích đất trống để tạo thêm được nguồn thu nhập trong giai đoạn này. Anh đã đầu tư hơn 40 triệu đồng chi phí mua giống, làm giàn, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiền điện tước nước. Đến nay gia đình anh thu được hơn 8 tạ chanh dây nhưng chỉ bán được giá 3.500/kg, không thấm gì so với vốn đầu tư. Giá rớt mạnh nên gia đình không còn chăm sóc cho vườn chay dây cũng như không thu hái để quả chín rụng đầy gốc. Anh Nguyễn Đình Thắng ở thôn Tiến Đạt xã Quảng Tiến nói: Trước đây rất hào hứng khi giá chanh ở mức cao, nằm khoảng 16-20.000đ/kg. Khi trồng đầu tư chăm sóc rất cao, nhưng chuẩn bị vụ thu thì giá chanh rớt xuống lần từ 16.000đ tới 10.000đ rồi 7-8.000đ rồi giờ còn 3.5000đ/kg, có khi thương lái không thu mua. Giá chanh bất ngờ rớt như vậy thì gia đình như ngồi trên đống lửa, đầu tư rất nhiều mà chưa thu được cái gì hết. Giờ cũng bỏ vườn không quan tâm đầu tư như lúc đầu nữa.
Gia đình chị H Lieo Ktla tại buôn Yao, xã Ea Tul cũng rất buồn khi trúng vào đợt thu hoạch thì giá cả chanh dây lại rớt thảm hại. Chị H Lieo Ktla cho biết: Năm ngoái sau khi chặt bỏ vườn cà phê già cỗi của gia đình, vợ chồng chị quyết định chuyển sang trồng 100 cây sầu riêng. Trong khi chờ cây sầu riêng lớn, vợ chồng chị tận dụng các khoảnh đất trống để trồng xen chanh dây nhằm làm giàn che bóng mát cho cây trồng chính và kiếm thêm nguồn thu nhập trang trải kinh tế gia đình. Đến nay, hơn 110 cây chanh dây của gia đình đã bắt đầu cho thu hoạch với sản lượng hơn 6 tạ chanh nhưng chỉ bán được với giá 3.500đ/kg. So với chi phí ban đầu bỏ ra hơn 10 triệu đồng thì giá bán chanh dây như hiện nay thì gia đình thua lỗ. Chị H Lieo Ktla, buôn Yao, xã Ea Tul nói: Trong quá trình chờ cây sầu riêng lớn, tận dụng đất trống nên gia đình bổ sung trồng cây ngắn ngày là cây chanh dây. Cũng đầu tư vào nó rất nhiều nào là trụ, kẽm, tiền giống, phân bón, thuốc thang, tưới tiêu. Giá chanh dây xuống rất thảm, bán lứa đầu được khoảng 6 tạ nhưng chỉ thu về được một triệu mấy gần hai triệu, chưa lấy lại được tiền giống. Không những gia đình tôi mà các gia đình cũng trồng chanh dây cũng rất buồn.
May mắn hơn nhiều hộ trồng chanh dây ở địa phương, anh Y Duă Niê buôn Hra A xã Ea Tul có được lợi nhuận từ trồng chanh dây. Cuối năm 2021, gia đình tái canh trồng lại cà phê nên sau đó đã đưa hơn 100 cây chanh dây vào trồng xen trong diện tích 3 sào đất. Tận dụng các trụ tiêu có sẵn trong vườn và mua thêm kẽm để làm giàn cùng với tiền giống và phân bón nên chi phí ban đầu bỏ ra của gia đình chỉ từ 3-4 triệu đồng để trồng chanh dây. Do đợt đó ít người trồng, chanh dây khan hiếm hàng nên giá chanh dây lên cao giúp gia đình có lãi trên 50 triệu đồng để trang trải kinh tế. Tuy nhiên từ thời điểm cuối năm ngoái khi thấy giá chanh dây tăng cao, bà con trong xã đã ồ ạt trồng chanh dây, đến nay giá chanh đã giảm mạnh. Dù cũng buồn rầu khi giá chanh giảm nhưng gia đình anh vẫn rất may mắn so nhiều hộ trồng mới vì không bị thua lỗ. Anh Y Duă Niê, buôn Hra A, xã Ea Tul cho biết: Năm ngoái trồng với mục đích chắn gió, chắn nắng cho cây cà phê, trồng 100 cây trong 3 sào thì cho thu nhập cũng khá cao. Một đợt hái thì gần 1 tấn, 1 ký giá từ 15-22.000đ/kg, một năm hái được 3-4 đợt. Thấy lợi nhuận cao nên bà con trồng ồ ạt luôn, hầu như nhà nào cũng trồng rất nhiều, bây giờ chanh dây rất là nhiều, “cung vượt cầu”, giá thì thấp.
Ông Trần Tuấn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tul cho biết: Theo điều tra, khảo sát, xã Ea Tul có khoảng 100 ha chanh dây, trong đó trồng chủ yếu xen canh trong các vườn cà phê, sầu riêng. Diện tích chanh dây trên địa bàn xã tăng mạnh do giá cả chanh dây từ cuối năm 2022 tăng mạnh, trong khi đó địa phương có nhiều diện tích đất trống do bà con mới thanh lý các vườn cà phê già cỗi để chuyển sang các loại cây trồng khác nên bà con đưa chanh dây trồng xen canh làm cây ngắn ngày để tăng thêm nguồn thu nhập. Do trồng ồ ạt, không theo quy hoạch nên hiện nay diện tích cây chanh dây trên địa bàn khá lớn, nhưng giá cả lại giảm mạnh. Ông Trần Tuấn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tul nói: UBND xã cũng nắm tình hình và tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo bà con nên trồng xen các loại cây ngắn ngày phù hợp với điều kiện thỗ nhưỡng, không chạy theo giá thị trường, vừa rồi dẫn đến giá chanh dây rớt xuống rất thấp. UBND xã cũng gặp gỡ một số doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư bao tiêu sản phẩm, trong đó có chanh dây. Diện tích các doanh nghiệp liên kết rất là ít, không đáng kể trong khi đó bà con trồng với diện tích lớn, không theo quy hoạch, thường thì tự phát dẫn đến việc “cung vượt cầu” , giá cả không đảm bảo, không có nơi thu mua, rất vất vả.
Theo thống kê sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đến đầu tháng 5/2023 diện tích chanh dây trên địa bàn huyện là hơn 510 ha, trong đó trồng thuần trên 300 ha còn lại là trồng xen canh trong các vườn cà phê, sầu riêng. Giá chanh dây tăng mạnh từ cuối năm 2022 đạt trên 20.000đ/kg đã khiến nhiều người dân vì lợi nhuận trước mắt đã đua nhau mở rộng diện tích trồng, trong khi đó chưa đảm bảo đầu ra thị trường. Do trồng mới một lúc ồ ạt, không kiểm soát, đến đợt thu đại trà, số lượng cung vượt cầu khiến giá cả tụt giảm mạnh. Hiện nay giá cả thu mua chanh dây thay đổi theo từng giờ, từng ngày, giá chỉ dao động từ 3.500 - 7.000 đồng/kg, thậm chí có ngày không có thương lái thu mua khiến nông dân lo lắng, đứng ngồi không yên. Trước tình hình đó, UBND huyện đã có công văn chỉ đạo các xã, thị trấn khuyến cáo bà con không nên tự phát mở rộng diện tích trồng chanh dây khi chưa có các hợp đồng bao tiêu sản phẩm, không tự ý mua cây giống trồng không có nguồn gốc rõ ràng, nhằm tránh tình trạng cây bị nhiễm bệnh trên diện rộng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Các hộ thật sự có nhu cầu trồng thì đến UBND xã, thị trấn để được định hướng, hướng dẫn tham gia vào chuỗi liên kết, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, từ đó đảm bảo thị trường đầu ra cho sản phẩm, ổn định nguồn thu nhập./.
H Xiu