Điểm giao dịch xã: Cầu nối giữa Ngân hàng CSXH với hộ nghèo và các đối tượng chính sách
Điểm giao dịch xã là một mô hình đặc thù riêng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Thời gian qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư M’gar luôn quan tâm, chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của các ĐGD xã, thị trấn đến nay đã trở thành địa chỉ tin cậy, tạo sự gắn kết bền vững chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Cán bộ NHCSXH huyện và tổ chức Hội họp giao ban định kỳ với Tổ TK &VV tại xã Cư Suê
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk có 17 điểm giao dịch tại 17 xã, thị trấn. Tại các điểm giao dịch được trang bị đầy đủ biển chỉ dẫn, biển hiệu, bảng tin, thông báo chính sách, hòm thư góp ý, các trang thiết bị làm việc để đảm bảo phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Hàng tháng, NHCSXH tổ chức giao dịch đúng lịch đã thông báo, phân công 1 tổ cán bộ để thực hiện công tác tín dụng tại các ddieeerm giao dịch như: thu nợ, giải ngân cho vay; nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm của dân cư…. Khách hàng được trực tiếp giao dịch với NHCSXH ngay tại UBND xã với sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác; tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) và chính quyền cấp xã. Đặc biệt, Điểm giao dịch xã còn giúp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác dễ dàng nắm bắt và chủ động hơn trong việc thông tin chính sách; quản lý vốn tín dụng chính sách.
Điển hình như Điểm giao dịch xã Cư Suê, giao dịch vào ngày 22 hàng tháng. Tại đây, NHCSXH huyện đã trang bị đầy đủ thiết bị máy móc, thực hiện công khai các chính sách, văn bản mới, dư nợ cho vay từng khách hàng, nợ quá hạn, nợ được xử lý rủi ro, lãi suất... giúp hộ vay tra cứu nắm bắt dễ dàng, thuận lợi, chính quyền địa phương dễ dàng nắm bắt các thông tin về hộ vay cũng như nguồn vốn tín dụng chính sách đã phân bổ về địa phương. Ngoài ra, để phù hợp với tình hình thực tế, NHCSXH đã thực hiện chuyển đổi số trong công tác tín dụng chính sách bằng cách hướng dẫn và tập huấn cho các đơn vị có liên quan, cá nhân là Tổ trưởng Tổ TK & VV sử dụng phần mềm quản lý tín dụng chính sách và tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng dịch vụ Mobile Banking của NHCSXH.
Đến nay trên địa bàn xã Cư Suê có 19 tổ TK&VV với tổng dư nợ 41.395 triệu đồng với 955 khách hàng còn dư nợ, bình quân 43 triệu đồng/hộ vay; số dư tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ đạt 2,18 tỷ đồng.
Ông Võ Ngọc Hãn, Giám đốc PGD NHCSXH huyện Cư Mgar nhìn nhận: Thông qua việc triển khai các Điểm giao dịch tại xã, NHCSXH cũng đã thực hiện giải pháp thiết thực trong cải cách thủ tục hành chính, tối ưu hóa thời gian giao dịch, giảm chi phí đi lại cho hộ vay, thể hiện tinh thần trách nhiệm của cán bộ ngân hàng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là người dân sinh sống ở khu vực nông thôn. Điểm giao dịch xã đã trở thành địa chỉ tin cậy, tạo sự gắn kết bền vững chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong toàn huyện.