Đoàn công tác Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội làm việc tại huyện Čư M'gar
Ngày 11/08/2022, đoàn công tác Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội do đồng chí Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện Čư M'gar để khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật công tác phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước trên địa bàn của huyện.
Quang cảnh buổi làm việc với đoàn công tác của Ủy ban VH-GD của Quốc hội
Tiếp và làm việc với đoàn công tác của Quốc hội, đồng chí YWem H'Wing – Phó Chủ tịch UBND huyện đã báo cáo: Những năm qua, huyện Čư M'gar đã đặc biệt quan tâm và chủ động trong công tác phòng chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước trên địa bàn. Đến nay huyện Čư M'gar có 100% số xã, thị trấn được công nhận đạt tiêu chuẩn "Phù hợp với trẻ em"; 08/17 xã, thị trấn triển khai mô hình "Ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em"; huyện cũng đã tổ chức mở được 150 lớp dạy bơi miễn phí với hơn 2.000 trẻ em tham gia. Tuy nhiên tình trạng trẻ em bị tai nạn và tử vong do tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông vẫn còn chiếm tỷ lệ cao trong các loại tai nạn thương tích thường gặp. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã có 407 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó có 24 trẻ bị tử vong. Đa số các trường hợp tử vong do trẻ thiếu các kỹ năng an toàn phòng chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, đặc biệt là trẻ vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Các thành viên trong đoàn công tác Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội và huyện Čư M'gar đã trao đổi, làm rõ nhiều vấn đề còn tồn tại, hạn chế, khó khăn và bấp cập trong việc thực hiện công tác phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em trên địa bàn huyện thời gian qua. Đồng thời nêu lên các kiến nghị, giải pháp nhằm hạn chế, giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em…
Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đề nghị địa phương tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, xây dựng chương trình truyền thông phù hợp, hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và quần chúng nhân dân trong công tác phòng chống đuối nước ở trẻ em. Bên cạnh đó huy động các nguồn lực, xã hội hóa việc dạy bơi cũng như trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ. Chủ động trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích để trẻ được phát triển toàn diện./.
-S.Pa-