Đoàn Thanh niên huyện Cư M’gar - Quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách
Những năm qua, Đoàn Thanh niên trên địa bàn huyện đã thực hiện tốt công tác nhận ủy thác cho đoàn viên vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Qua đó, góp phần tạo điều kiện cho hàng nghìn đoàn viên tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Bà Võ Thị Mỹ Trinh, Phó Bí thư ĐTN huyện cho biết: Những năm qua, ĐTN huyện luôn xác định nguồn vốn vay ưu đãi ủy thác từ NHCSXH là một trong những động lực quan trọng giúp hội viên, đặc biệt là hội viên thuộc diện hộ nghèo và đối tượng chính sách vươn lên. Để giúp hội viên có vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ĐTN huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hội viên về các chương trình cho vay ưu đãi tại NHCSXH để các hội viên nắm bắt. Đồng thời, chúng tôi chỉ đạo sát sao ĐTN các xã thị trấn và các chi đoàn chủ động rà soát danh sách hộ nghèo, cận nghèo để có giải pháp hỗ trợ về vốn vay phù hợp, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Nhờ công tác tuyên truyền hiệu quả, nhận thức của hội viên được nâng lên, nhiều hội viên mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế. Đến nay, ĐTN huyện đang quản lý 53 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) với tổng dư nợ cho vay ủy thác hơn 87 tỷ đồng, với trên 2.031 lượt hộ vay. Trong đó, doanh số cho vay 3 tháng đầu năm 2025 hơn 6 tỷ đồng, với trên 220 lượt hội viên vay vốn. Hiện nay, ĐTN huyện là đơn vị có dư nợ cho vay ủy thác không có nợ quá hạn, các hội viên đều có ý thức sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả để đầu tư, xây dựng các mô hình như: trồng, chăm sóc cà phê, hồ tiêu, sầu riêng; chăn nuôi gia súc, gia cầm; kinh doanh dịch vụ…
Điển hình như anh Lý Quang Duy, thôn 8, xã Ea M’nang - một trong những hội viên tiêu biểu vươn lên từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH huyện. Anh Duy chia sẻ: “Năm 2022, thông qua ĐTN xã Ea M’nang, tôi làm hồ sơ vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để đầu tư trồng 0,7 ha cà phê xen canh cây hồ tiêu. Hiện nay diện tích cà phê của gia đình tôi phát triển tốt, hằng năm cho thu hoạch 2,5 tấn cà phê và hơn 1 tấn tiêu, đã đem lại thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm.”
Vườn cà phê xen cây hồ tiêu của gia đình anh Lý Quang Duy
Hay như anh Phan Thanh Nam, cùng trú tại thôn 8, xã Ea M’nang chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chỉ làm cây cà phê, nhưng giá thành thấp nên không có thu nhập ổn định. Năm 2022, được cán bộ Đoàn TN xã tuyên truyền, hướng dẫn, gia đình tôi đã vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để đầu tư chăn nuôi dê sinh sản. Sau khi vay vốn, tôi được tham dự các lớp tập huấn về chăn nuôi, đồng thười học hỏi kinh nghiệm từ các điểm cung cấp giống dê sinh sản, đồng thời tự nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc cho dê sinh sản. Nhờ đó, đàn dê của tôi phát triển tốt, tạo ra thu nhập ổn định, song song đó lượng phân dê được tôi ủ theo đúng kỹ thuật sử dụng để làm phân bón cho cây cà phê. Cà được giá, đàn dê phát triển như thế tôi thấy rất vui
Để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, hằng năm, ĐTN các cấp còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức dạy nghề, tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên. Trong năm 2024, các cấp hội đã phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức 3 lớp tập huấn cho hơn 200 lượt hội viên tham gia. Qua đó, anh chị em có thêm kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, góp phần phát huy hiệu quả nguồn vốn, nhất là tư vấn kỹ thuật về chăn nuôi, chăm sóc cây cà phê, sầu riêng đang là thế mạnh phát triển của huyện nhà.
Bà Võ Thị Mỹ Trinh cho biết thêm. Hằng năm, ĐTN huyện đã chỉ đạo các hội cơ sở phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên. Ngoài ra, hội kiểm tra thường xuyên đối với các hộ vay, tổ TK&VV; đôn đốc, nhắc nhở đối với các hộ đã vay vốn nhưng chậm đầu tư, sử dụng vốn. Nhờ đó, nhiều hội viên trên địa bàn huyện đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả. Trong năm 2024, ĐTN đã giúp đỡ 16 hội viên thoát nghèo.