Đoàn viên-thanh niên xã EaTul ứng dụng Intenet vào phát triển kinh tế
Xã EaTul tuy là địa phương có đến 98% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng hiện nay việc ứng dụng công nghệ tìm hiểu thông tin trên mạng Internet để học hỏi, bổ sung kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, nhất là lực lượng đoàn viên-thanh niên ngày càng phổ biến. Nhờ có sự chọn lọc, học hỏi và khai thác được nhiều thông tin bổ ích từ mạng Internet, nhiều đoàn viên-thanh niên đã ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Nhiều năm nay, việc tìm kiếm thông tin phục vụ cho sản xuất của anh Y Phen Niê ở buôn Dao xã EaTul đã trở nên dễ dàng hơn nhờ biết sử dụng Internet, chỉ cần một vài thao tác đơn giản anh đã nhanh chóng tìm được các thông tin mình cần. Trước đây, mỗi khi muốn tìm kiếm thông tin anh phải đi thực tế để học hỏi kinh nghiệm, hoặc tìm hiểu qua sách, báo, vừa tốn sức, vừa mất thời gian. Dù mới tiếp cận với máy vi tính và Internet chưa lâu, nhưng với sự cần mẫn, chịu khó học hỏi, cộng với được sự hỗ trợ, giúp đỡ của những người đi trước, đến nay anh Y Phen đã sử dụng thành thạo máy tính và mạng Internet để khai thác thông tin, góp phần không nhỏ vào phát triển chăn nuôi, trồng trọt của gia đình... Đang say sưa tra cứu, tìm kiếm thông tin về cách phòng tránh bệnh cho cây chanh dây trên mạng Internet, anh Y Phen Niê ở buôn Dao xã EaTul nói: "Giờ đây để tìm kiếm những kiến thức trong cuộc sống, cũng như phục vụ sản xuất nông nghiệp rất đơn giản và dễ dàng, chỉ việc vào Google, hay Youtobe sau vài giây là nó đã hiện ra, mình thoải mái học hỏi…".
Thanh niên xã EaT ul tìm hiểu thông tin trên Internet để nâng cao dân trí và ứng dụng KHKT hiệu quả vào sản xuất
Hơn 02 năm nay, nhờ những kiến thức tìm hiểu được từ Internet, mô hình trồng hồ tiêu kết hợp với chanh dây của anh Y Phen không ngừng phát triển, đem lại kinh tế ổn định cho gia đình. Với 04 sào đất trồng chanh dây mỗi năm Y Phen xuất bán ra thị trường khoảng 12 tấn, với giá bán từ 10.000 đến 18.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư anh vẫn có được nguồn thu nhập kha khá. Đến nay, 200/800 trụ tiêu của gia đình anh Y Phen cũng đang bắt đầu bước vào giai đoạn kinh doanh. Đầu năm 2017, anh Y Phen đã mua thêm được 1,6 ha đất, nâng tổng diện tích đất canh tác của gia đình lên gần 02 ha. Trên diện tích này, anh tiếp tục trồng chanh dây và trồng xen 400 cây bơ, 500 cây mãng cầu. Ngoài ra, anh còn đầu tư nuôi hơn 300 con gà thả vườn để tăng thêm nguồn thu cho gia đình. Dẫn chúng tôi tham quan mô hình kinh tế của gia đình, anh Y Phen Niê ở buôn Dao xã EaTul vui vẻ cho biết thêm: "Làm kinh tế bản thân tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn về hiểu biết khoa học kỹ thuật, cách chăm sóc. Chanh dây thì thường bị bệnh xoắn lá, xoắn đọt; hồ tiêu thì bệnh chết nhanh chết chậm, vàng lá và trên cây ăn trái cũng xuất hiện nhiều loại bệnh. Từ việc tìm hiểu và học hỏi kiến thức từ Google và mạng Internet cũng như thực tế từ những mô hình kinh tế trên địa bàn, bản thân tôi đã học được nhiều điều thật bổ ích trong chăm sóc vườn cây. Hiện nay, các loại cây chủ yếu đang trong giai đoạn trồng và chăm sóc, hồ tiêu thì một số trụ đang bắt đầu cho thu hoạch, năm ngoái thu được 03 tạ, năm nay dự kiến sẽ lên đến 06 tạ, còn chủ yếu thu nhập vẫn là từ chanh dây. Năm ngoái tổng thu nhập của gia đình khoảng 200 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư còn gần 150 triệu đồng".
Nhận thấy sự tiện lợi và hữu ích từ Internet, nhiều đoàn viên-thanh niên ở xã EaTul đã mạnh dạn đầu tư mua sắm máy vi tính, đồng thời kéo mạng để chủ động hơn trong việc khai thác thông tin phục vụ sản xuất, kinh doanh cho bản thân và gia đình. Người đi trước chỉ cho người đi sau, từ đó số đoàn viên-thanh niên trên địa bàn xã EaTul biết sử dụng Internet để khai thác thông tin nâng cao dân trí và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nắm bắt giá cả thị trường, vật tư nông nghiệp…ngày càng nhiều. Nhờ đó, việc sản xuất-kinh doanh trở nên dễ dàng hơn. Trao đổi với chúng tôi, anh Y Xếp Niê – Bí thư Đoàn xã EaTul cho biết: "Đoàn xã hiện nay có 215 đoàn viên, hều hết đều biết sử dụng máy tính và Internet, trong đó nhiều đoàn viên sử dụng rất thành thạo. Trước đây, khoa học kỹ thuật chỉ được tiếp cận qua các lớp tập huấn, hội thảo, rồi qua sách, báo, đài… thì giờ có được những thông tin này lại rất dễ dàng từ mạng Internet. Ngày trước chỉ có trồng thuần càfê, giờ đây nhân dân đã biết đưa một số loại cây vào trồng xen để góp phần tăng thu nhập, hạn chế rủi ro trong sản xuất, nên hiệu quả kinh tế đã được nâng lên".
Có thể thấy - việc ứng dụng công nghệ, tra cứu thông tin từ mạng Internet để áp dụng vào sản xuất thực sự là bước ngoặc lớn đối đoàn viên-thanh niên ở xã EaTul nói riêng và trong toàn huyện nói chung. Đây là giải pháp thiết thực để người sản xuất tiếp cận nhanh với các tiến bộ KHKT-công nghệ, cải tiến phương thức làm ăn cũ, đã lạc hậu, kém hiệu quả để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn./.
S.Pa