Đồng bào các dân tộc huyện Čư M'gar tích cực, nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh
“Đất lành chim đậu”. Trải qua 40 năm hình thành, xây dựng và phát triển, nhiều dân tộc anh em trong cả nước đã hội tụ về huyện Čư M'gar lập nghiệp và sinh sống. Phát huy truyền thống đoàn kết, với ý chí, nghị lực và niềm tin khát vọng vươn lên trên vùng đất mới, 40 năm qua, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện đã không ngừng nỗ lực thi đua trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống, chung tay góp sức xây dựng quê hương Čư M'gar anh hùng ngày càng giàu đẹp, văn minh và nghĩa tình.
Đồng bào Ê đê vui trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc
Rời quê hương Quảng Nam vào thôn Đoàn Kết, xã Ea M'dróh lập nghiệp từ năm 1997, chị Nguyễn Thị Thanh Nga không ngừng nỗ lực xây dựng cuộc sống cho gia đình ngày càng ổn định với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm (sau khi trừ chi phí đầu tư). Chị Nga tâm sự: Năm 2004 chị lập gia đình và được gia đình chồng cho 05 sào đất canh tác. Trên diện tích này vợ chồng chị đã đầu tư vào trồng cà phê và xen canh một số cây hoa màu khác. Năm 2008 gia đình chị mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ Ngân sách CSXH huyện để mua 01 con bò và đầu tư vào chăm sóc vườn cà phê. Ban đầu tuy gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn, nhưng vợ chồng chị Nga không ngại vất vả, vừa chăm sóc nương rẫy, chăn nuôi thêm bò, gà, vịt, thời gian rãnh rỗi đi làm thuê để trang trải sinh hoạt trong gia đình. Từ việc tiết kiệm, tích cóp trong chi tiêu sinh hoạt, đến năm 2013 vợ chồng chị Nga đã có cơ ngơi, diện tích đất canh tác 2,3 ha trồng cà phê, hồ tiêu. Đồng thời chị còn trồng 02 sào cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho các đàn vật nuôi. Nhờ chủ động áp dụng các tiến bộ KHKT-công nghệ vào sản xuất, nên các loại cây trồng, đàn vật nuôi của gia đình chị đều sinh trưởng và phát triển tốt. Từ lao động sản xuất, vài năm gần đây gia đình chị Nga có thu nhập ổn định hằng năm trên 200 triệu đồng (sau khi trừ hết chi phí đầu tư). Vì vậy gia đình chị đã xây được nhà ở khang trang, mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt và sản xuất đắt tiền, có điều kiện nuôi 03 người con ăn học. Vừa qua gia đình chị tiếp tục đầu tư hơn 100 cây sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê, hồ tiêu nhằm cải thiện thêm thu nhập…
Chị Thanh Nga đang chăm sóc đàn dê của gia đình
Còn gia đình chị Nguyễn Thị Vinh ở Tổ dân phố 4 (thị trấn Quảng Phú) thì phát triển kinh tế với nghề truyền thống của gia đình là làm mỳ Quảng. Chị Vinh cho biết: Gia đình có truyền thống làm mỳ Quảng hơn 30 năm nay, nên khi vào vùng đất mới lập nghiệp, bản thân chị đã chọn nghề này để phát triển kinh tế gia đình. Hằng ngày chị cung cấp ra thị trường hơn 01 tạ mì Quảng. Mỗi tháng sau khi trừ hết chi phí đầu tư gia đình chị thu lãi từ 07 đến 10 triệu đồng (tùy thời điểm thị trường). Để việc kinh doanh được thuận lợi, chị Vinh còn thuê thêm 02 nhân công phụ giúp việc làm mì với thu nhập bình quân mỗi người hằng tháng khoảng 04 triệu đồng. Nhằm nâng cao giá trị và quảng bá thương hiệu sản phẩm, năm 2022 Hội LHPN thị trấn Quảng Phú đã tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ chị Vinh làm hồ sơ đăng ký xây dựng sản phẩm Mì Quảng Cô Vinh tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Ocop) tỉnh Đắk Lắk và đã được UBND tỉnh xét chứng nhận đạt sản phẩm 3 sao. Đây là niềm vui, niềm tự hào đối với chị Vinh khi ẩm thực truyền thống của địa phương được công nhận, đánh giá cao và là động lực để chị tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, quảng bá rộng rãi sản phẩm đến với người tiêu dùng.
Xã Čư M'gar – tuy là xã thuần nông, nhưng trải qua chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây không ngừng được cải thiện. Xã Čư M'gar hiện có 2.270 hộ gia đình với 10.068 nhân khẩu với 09 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ trên 70%. Là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc anh em cùng chung sống nên có sự đa dạng, phong phú giao thoa về bản sắc và văn hóa truyền thống. Với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, những năm qua đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã đã tích cực thi đua lao động sản xuất, thay đổi cách nghĩ, cách làm, từ trồng cây ngắn ngày thu nhập thấp sang trồng cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao. Đồng thời chủ động đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng đa canh, đa con, áp dụng KHKT-công nghệ để phát triển sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Tuy là vùng quê mới, nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực và khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện trong suốt chặng đường 40 năm qua đã xây dựng quê hương Čư M'gar ngày càng phát triển. Đây là động lực để địa phương tiếp tục quyết tâm, phát huy truyền thống đoàn kết xây dựng huyện Čư M'gar anh hùng trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk gắn với bảo tồn, giữ gìn và phát huy các trị trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trên địa bàn./.
H'Xiu Êban