Đồng bào Dao xã Cư Suê làm giàu nhờ thay đổi tư duy sản xuất
Phát huy lợi thế tiềm năng về đất đai, nguồn nhân lực của địa phương, những năm qua nhiều gia đình đồng bào người Dao ở xã Cư Suê đã tích cực học tập các tiến bộ KHKT-công nghệ, mạnh dạn thay đổi tư duy canh tác, chú trọng liên kết sản xuất, chủ động nắm bắt thị trường chuyển dần sang kinh tế nông nghiệp, chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm. Qua đó không những nâng cao thu nhập cho gia đình mà còn góp phần nâng cao giá trị, khẳng định thương hiệu cho các mặt hàng nông sản ở địa phương.
Với vườn cà phê rộng hơn 1,1 ha tái canh năm thứ 4, năm 2023 gia đình ông Triệu Văn Phúc ở thôn 3 (xã Cư Suê) thu hoạch được khoảng 05 tấn cà phê. Ông Phúc cho biết: Sản lượng này đạt gần gấp đôi so với thời kỳ trước khi vườn cà phê tái canh. Những vụ tới khi vườn cây bước vào chu kỳ kinh doanh chính thì sản lượng còn có thể cao hơn, cùng với đó là nguồn thu từ các cây trồng xen nên thu nhập của gia đình cũng tăng theo. Với giá nông sản như hiện nay gia đình ông thu lãi trên 400 triệu đồng. Thành quả này chính là nhờ thay đổi phương thức sản xuất theo sự tư vấn, hướng dẫn của Hợp tác Nông nghiệp và dịch vụ Bình Minh (xã Cư Suê). Ông Triệu Văn Phúc ở thôn 3 (xã Cư Suê) nói: Hợp tác xã chỉ đạo, hướng dẫn cho bà con nông dân làm theo mô hình của hợp tác xã về kỹ thuật chăm bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Làm theo hợp tác xã thì có nhiều cái lợi, thu nhập cao hơn. Hồi xưa tự làm theo kinh nghiệm nên năng suất, sản lượng, thu nhập không cao…
Mô hình trồng cà phê của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh xã Cư Suê
Tham gia hợp tác xã từ những ngày đầu thành lập, chị Triệu Thị Hạnh ở thôn 3 (xã Cư Suê) chia sẻ: Khi tham gia hợp tác xã, các thành viên đều được đi tập huấn, học tập các tiến bộ KHKT-công nghệ trong sản xuất. Các xã viên là những tri thức trẻ rất tích cực tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn bà con nông dân lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, vận động canh tác theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường. Nhờ đó gia đình đã chủ động trong các khâu sản xuất, từ thu hoạch đến việc bao tiêu sản phẩm với giá thành cao hơn thị trường, nên thu nhập cũng được cải thiện rất nhiều. Chị Triệu Thị Hạnh ở thôn 3 xã Cư Suê tâm sự: Người dân sản xuất theo kinh nghiệm không hiệu quả. Từ lúc có hợp tác xã, xã viên được tham gia nhiều lớp tập huấn, chuyển giao các tiến bộ KHKT-công nghệ, từ đó thay đổi tư duy sản xuất và thu nhập ngày càng được cải thiện…
Được thành lập từ năm 2016, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh (xã Cư Suê) hiện nay có 27 xã viên chính thức và 115 thành viên liên kết đều là đồng bào dân tộc Dao ở thôn 3. Chị Triệu Thị Châu - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh (xã Cư Suê) cho biết: Khi mới thành lập và đi vào hoạt động, Hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu tập trung chế biến cà phê thô để cung cấp cho thị trường nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Hợp tác xã có 17 xã viên có trình độ đại học, cao đẳng đã chủ động cùng các thành viên khác tập trung nghiên cứu, triển khai các giải pháp để khắc phục khó khăn, đưa hoạt động của Hợp tác xã ngày càng phát triển. Đến nay Hợp tác xã đã xây dựng một vùng nguyên liệu sạch với hơn 108 ha cà phê trồng xen nhiều loại cây khác như: hồ tiêu, sầu riêng, bơ, mãng cầu, nghệ… Để nâng cao giá trị sản phẩm, Hợp tác xã đã trang bị máy móc hiện đại để thực hiện chế biến sâu các sản phẩm của bà con nông dân, cung cấp cho thị trường và bước đầu đã được người tiêu dùng đón nhận. Chị Triệu Thị Châu - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh (xã Cư Suê) còn cho biết: Sản phẩm trà mãng cầu của hợp tác xã sau khi đưa ra thị trường được người tiêu dùng đón nhận. Vì vậy mình nghỉ sao minh không chế biến sâu và nỗ lực chăm chúc cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Bây giờ thêm dòng sầu riêng sấy thăng hoa và mít sấy thăng hoa, sau khi đưa ra thị trường được khách tiêu dùng ưu chuộng. Hy vọng trong thời gian tới các sản phẩm của các thành viên hợp tác xã sẽ vươn xa ra phạm vi cả nước…
Nhờ phát huy được lợi thế của địa phương và chủ động thay đổi tư duy sản xuất, thực hiện liên kết hướng tới sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững, nên đời sống của các thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh (xã Cư Suê) không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân hằng năm của mỗi hộ đạt từ 300 đến 500 triệu đồng (sau khi trừ chi phí đầu tư). Mô hình Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh (xã Cư Suê) đã được nhiều chuyên gia về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trong và ngoài nước đến thăm quan, tìm hiểu và ký kết nhiều chương trình đầu tư sản xuất dài hạn. Ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Chủ tịch UBND xã Cư Suê cho trao đổi: Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Bình Minh là một trong những hợp tác xã dẫn đầu trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Các thành viên có trình độ chuyên môn cao nên việc tiếp thu kiến thức nhanh, dễ dàng, sau đó về triển khai cho các xã viên, hướng dẫn tập huấn về quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, sản xuất bền vững, đảm bảo chất lượng và mang lại giá trị thu nhập cao. Chính quyền địa phương đang hỗ trợ, hướng dẫn cho hợp tác xã đăng ký xây dựng sản phẩm Ocop (chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Với việc mạnh dạn học hỏi, tìm tòi áp dụng những giải pháp mới, liên kết sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm đã giúp cho bà con nông dân người Dao ở Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh thôn 3 (xã Cư Suê) đã tạo ra được những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, có giá trị kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập, đặc biệt là việc chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững phù hợp với xu thế tất yếu hiện nay./.
H'Xiu ÊBan