Chủ nhật, ngày 16 tháng 02 năm 2025
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Trong tháng:

Tất cả:

Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
Cập nhật lúc: 23/11/2023

Đồng bào Êđê nỗ lực bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ bến nước

    Từ xa xưa, nhiệm vụ bảo vệ rừng đầu nguồn ở các bến nước luôn được cộng đồng người Êđê duy trì thực hiện và truyền lại cho các thế hệ con cháu. Với người Êđê, bảo vệ rừng đầu nguồn ở bến nước chính là bảo vệ mạch sống cho buôn làng. Bến nước trong cuộc sống cộng đồng rất thiêng liêng, mất rừng thì nguồn nước không còn, buôn làng cũng không còn. Vì vậy khu rừng bao quanh các khu vực bến nước luôn được đồng bào trân trọng bảo vệ và việc làm này đã được đưa vào Luật tục của người Êđê.

22.11.3

Sinh hoạt nơi bến nước

    Đối với người Êđê, khi lập buôn làng họ thường chọn những nơi có mạch nước ngầm nằm sâu trong rừng để lập bến nước, vì đây sẽ là nguồn cung cấp nước chính nuôi dưỡng cho các thế hệ con cháu của họ. Người Êđê sớm quan niệm: Nước là hiện linh của sự sống, còn rừng là còn nước, là “lá bùa hộ mệnh” che chở cho buôn làng. Hình ảnh ngày ngày đồng bào xuống bến gùi nước về sử dụng, xuống bến nước tắm rửa, giặt giũ, hay trẻ con nô đùa ở bến nước đã in sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người Êđê. Vì vậy từ lâu bến nước đã trở thành không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các buôn làng Êđê. Để duy trì mạch nước ngầm quanh năm, trong lành, ngọt mát, người Êđê luôn ý thức phải bảo vệ những cánh rừng đầu nguồn bến nước, xem đây là “rừng thiêng”, vùng rừng được cả thần linh và cộng đồng bảo vệ, không ai được phép xâm phạm, chặt phá. Những điều này đã được người Êđê sớm đưa vào Luật tục để bảo vệ rừng, bảo vệ đất, bảo vệ nguồn nước, nếu ai vi phạm sẽ bị buôn làng xử phạt theo đúng Luật tục. Nhờ sự ràng buộc về Luật tục, cùng sự giáo dục về ý thức giữ gìn rừng đầu nguồn để bảo vệ bến nước, nên nhiều buôn làng đồng bào Êđê ở huyện Čư M'gar đã tích cực bảo vệ nguồn nước và những cánh rừng không bị triệt phá. Điển hình như ở xã Ea Tul, đồng bào đã chủ động bảo vệ, giữ gìn bến nước cùng với đó là các cánh rừng và những cây cổ thụ hàng trăm tuổi như tại bến nước bến nước Ea Chinh (buôn Triă), bến nước Ea Sah (buôn Sah B hay còn gọi bến nước Dăm Yi)… Già làng Y Lem Niê ở buôn Sah B (xã Ea Tul) nói: Bến nước này trước đây có rất nhiều cây cổ thụ nhưng đến nay đã bị đổ ngã. Với bản thân tôi thì tôi tuyên truyền cho bà con về Luật tục, những điều cấm kỵ của người Êđê từ bao đời nay là không được chặt phá rừng đầu nguồn bến nước. Khi đến bến để gùi nước không được xả rác bừa bãi, ở đây đã có thùng rác thì mình bỏ vào thùng rồi mang đi xử lý đúng quy định, gọn gàng. Một tháng một lần ra quân dọn dẹp vệ sinh bến nước để bến nước được thông thoáng, mát mẽ, sạch sẽ.

    Chị H'Hoa Niê Ksơr ở buôn Phơng (xã Ea Tul) tâm sự: Bến nước đã nuôi dưỡng biết bao thế hệ người Êđê, dù mùa nào nguồn nước cũng dồi dào, trong lành, ngọt mát, không bao giờ cạn. Ở mỗi bến nước đều có điều cấm kỵ, nhất là việc người dân không được được tự ý chặt phá cây rừng ở đầu nguồn bến nước. Bản thân tôi thấy bà con chấp hành thực hiện rất tốt và đây là niềm tự hào của mỗi buôn làng. Tôi rất mong mỗi dòng họ, các bậc cha mẹ, các thế hệ, anh chị đi trước tiếp tục giáo dục cho thế hệ trẻ trong buôn luôn trân trọng giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, không chặt phá cây rừng đầu nguồn để bảo vệ bến nước, bảo vệ sự bình yên của buôn làng…

    Từ sự ràng buộc của Luật tục cùng sự giáo dục về ý thức giữ gìn rừng đầu nguồn bến nước, nên thế hệ trẻ người Êđê ở xã Ea Tul cũng đã ý thức sâu sắc được nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ mạch sống tự nhiên của buôn làng. Em H'Huyên H'Wing ở buôn Triă (xã Ea Tul) nói: Bản thân em thường xuyên được được ông bà, chú bác răng dạy khi đến bến nước lấy nước sử dụng thì không được vứt rác bừa bãi, nếu thấy rác thì mình nhặt gom lại một chỗ để xử lý. Nếu có giống hoa thì mang theo để xuống bến nước trồng nhằm tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp tại khu vực bến nước chung của buôn làng…

    Với cuộc sống hiện đại, các cánh rừng đầu nguồn ở các bến nước dần bị tàn phá, từ đó bến nước cũng dần mất đi. Vì vậy thời gian qua, huyện Čư M'gar đã tích cực tổ chức các hoạt động phục hồi, tu sửa các bến nước của người Êđê. Trong đó đã huy động đầu tư xây dựng đường vào bến để đồng bào thuận tiện trong việc đi lại, xây dựng các tuyến đường hoa, trồng cây xanh kết hợp với tuyên truyền, vận động đồng bào nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, khơi thông dòng chảy đảm bảo vệ sinh cho nguồn nước, đặc biệt là việc chủ động bảo vệ rừng đầu nguồn ở các bến nước. Ông Y Mang - Phó trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Čư M'gar cho biết: Bến nước của đồng bào Êđê là niềm tự hào của nhân dân trên địa bàn huyện. Trong thời gian tới ngành văn hóa chúng tôi tham mưu tiến hành khảo sát các bến nước nhằm khoanh vùng để bảo tồn và duy trì bến nước của đồng bào dân tộc Êđê. Thường xuyên hỗ trợ tổ chức các nghi lễ cúng bến nước theo truyền thống tốt đẹp của đồng bào. Bến nước của đồng bào Êđê còn thể hiện văn hóa, phục vụ  du lịch, kêu gọi du khách gần xa đến với huyện Čư M'gar.

    Hiện nay huyện Čư M'gar có hơn 192.000 người với 25 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Êđê chiếm tỷ lệ khoảng 36,4%. Với sự nỗ lực của cộng đồng và các thế hệ người Êđê, trong những năm qua, nhiều bến nước Êđê trên địa bàn huyện đã được phục dựng, hầu hết những cánh rừng đầu nguồn ở các bến nước luôn được bảo vệ, bến nước tiếp tục được duy trì, nguồn nước luôn trong mát, mạch nước dồi dào tiếp tục nuôi dưỡng dân làng. Đến nay các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã khôi phục, duy trì được 47 bến nước cộng đồng. 

    Không những bảo vệ rừng đầu nguồn, hiện nay đồng bào nhiều buôn làng Êđê có bến nước trên địa bàn huyện còn huy động các nguồn lực tổ chức trồng rừng, trồng hoa, xây dựng đường xuống bến nước khang trang sạch đẹp. Đồng thời tuyên truyền, vận động con cháu tiếp tục tôn tạo và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, không những để bến nước nuôi dưỡng dân làng mà còn phục vụ cho nhu cầu du lịch, thu hút du khách thập phương./.

 

H'Xiu Êban

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang