Giá thịt dê hơi trên thị trường giảm mạnh, người chăn nuôi ở huyện Cư M'gar gặp nhiều khó khăn
Hiện nay, giá thịt dê hơi trên thị trường đang giảm mạnh và duy trì ở mức khá thấp so với những năm trước, vì vậy đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và đời sống của nhiều hộ chăn nuôi dê trên địa bàn huyện Cư M'gar, nhiều hộ đã có ý định dừng nuôi dê để chuyển sang chăn nuôi các loại con khác.
Anh Nguyễn Văn Thuận ở thôn 2 A xã Ea M'nang hiện có hơn 03 năm phát triển mô hình chăn nuôi dê, nhưng theo anh cho biết: Chưa có năm nào thu nhập của gia đình lại bị giảm sút như năm nay. Hàng năm gia đình anh Thuận duy trì đàn dê với khoảng 15 con dê lớn nhỏ, trong đó có 08 con dê cái. Những năm đầu mới nuôi dê, giá thịt dê trên thị trường luôn ở mức cao, nên gia đình anh Thuận có nguồn thu nhập khá ổn định. Tuy nhiên hơn 01 năm nay, giá dê hơi trên thị trường liên tục giảm, từ 120.000/kg đồng giảm xuống hiện còn từ 40.000 đến 70.000 đồng/kg (tùy theo chất lượng), khiến thu nhập của gia đình bị ảnh hưởng không nhỏ. Nếu như trước đây, mỗi con dê có trọng lượng từ 20 đến 30 kg sau khi xuất bán gia đình thu được khoảng 03 triệu đồng, thì nay cũng với trọng lượng tương đương nhưng thu nhập đã giảm đi một nửa. Theo tính toán của anh Thuận, nếu trừ công chăm sóc, chi phí thức ăn tinh bột bổ xung thêm cho dê và sữa cho dê con, gia đình lỗ chứ không có lời. Anh Nguyễn Văn Thuận ở thôn 2 A xã Ea M'nang ngán ngẩm nói: Giá dê bắt đầu giảm từ năm 2016, sang đến năm 2017 thì giảm mạnh, giờ dê tơ cao lắm chỉ được 70.000 đồng/kg, còn dê cái chỉ 40.000 đồng/kg, những con nào đẻ rồi tư thương họ cũng không muốn mua nữa. Năm 2017, gia đình bán 12 con dê, mỗi con chỉ được hơn triệu đồng. Khi chăn nuôi, ngoài thức ăn là cỏ, lá cây thì còn phải bổ xung thêm tinh bột như: Bắp để dê ăn thì mới nhanh lớn, mỗi ngày đàn dê của gia đình ăn ít nhất cũng 10 kg. Bên cạnh đó, dê đẻ phải mua thêm sữa cho dê con uống. Sau 05 tháng nuôi, 01 con chỉ được hơn 01 triệu đồng nếu tính công chăm sóc, thức ăn bổ sung thì lỗ. Gia đình không muốn duy trì nuôi dê nữa.
Anh Nguyễn Văn Thuận bên đàn dê của gia đình
Cũng như gia đình anh Thuận, gia đình chị Phạm Thị Sự ở thôn 2 A xã Ea M'nang cũng rơi vào tình trạng thất thu bởi giá thịt dê trên thị trường không ổn định. Với 02 con dê mẹ nuôi từ năm 2015, do chăm sóc tốt, đến nay đàn dê đã tăng lên 11 con, gia đình chị đã xuất bán ra thị trường được 06 con dê với trọng lượng mỗi con bình quân khoảng 20 kg. Tuy nhiên, do bán ở những thời điểm khác nhau, nên mỗi con dê cho thu nhập có sự chênh lệch khá lớn, tổng thu nhập chưa đến 10 triệu đồng. Mặc dù thu nhập bị giảm mạnh nhưng chị Sự và nhiều hộ nuôi dê khác trong xã vẫn đang cố gắng duy trì nuôi, với hi vọng giá dê hơi trên thị trường sẽ tăng trở lại. Chị Sự cho biết: Với giá như trước đây, mô hình chăn nuôi dê khá hiệu quả, phù hợp với những hộ không có đất, hoặc ít đất sản xuất như gia đình. Dê là con vật dễ nuôi, thời gian sinh trưởng và phát triển nhanh, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương và không tốn nhiều công chăm sóc… Chị Phạm Thị Sự ở thôn 2 A xã Ea M'nang nói: Nuôi dê mà như mấy năm trước thì có lời, hơn 120.000 đồng/kg. Từ năm 2016 giá thịt dê hơi mới bắt đầu giảm dần cho đến bây giờ, hiện chỉ còn khoảng 70.000 đồng/kg. Năm 2015: 02 con dê gia đình bán đươc hơn 04 triệu, sang năm 2016 giảm xuống còn hơn 03 triệu và giờ chỉ còn hơn 02 triệu. Nói chung cũng không có lãi cho mấy.
Trong những năm qua, tận dụng tiềm năng, lợi thế về nguồn nhân lực và đất đai ở địa phương, cùng với giá thịt dê hơi trên thị trường ở mức cao, nhiều hộ gia đình nông dân ở các địa phương trong huyện đã đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi dê, đặc biệt nhiều hộ đã mạnh dạn phát triển theo hình thức trang trại, chăn nuôi dê với số lượng lớn. Hiện nay, đàn dê trên địa bàn huyện ước tính có khoảng 10.000 con, với hàng trăm hộ chăn nuôi. Trong đó tập trung nhiều tại các địa phương như: xã Ea Kpam, Cư Suê, Ea Kiết, Ea Drơng, Ea H'đing và thị trấn Quảng Phú… Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quang Mười – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M'gar cho biết: Trước đây đàn dê trên địa bàn chỉ phát triển mang tính cầm chừng. Sau khi bò, heo giảm thì bà con nông dân mới tập trung phát triển chăn nuôi dê. Trước đây toàn huyện đàn dê có khoảng 5.500 con, trong 03 năm qua, số lượng đàn dê trên địa bàn tăng mạnh với số lượng khoảng 10.000 con. Dê là nhóm con vật dễ nuôi và ít bị dịch bệnh .
Thực tế nhiều năm qua cho thấy đã có nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá từ chăn nuôi dê. Chính bởi nguồn cung khá dồi dào làm "khủng hoảng thừa", nên giá thịt dê hơi trên thị trường liên tục giảm sút trong thời gian gần đây. Đây tiếp tục là bài học đắt giá về việc phát triển tràn lan các mô hình sản xuất theo phong trào. Với mức giá thịt dê hơi như hiện nay, người chăn nuôi dê trên địa bàn huyện đang đứng trước bài toán - tiếp tục nuôi thì không có lãi, mà bán thì lại không có lời.
Thiết nghĩ - chính quyền địa phương cần có những định hướng, cũng như những hoạch định cụ thể từng vùng sản xuất, hạn chế tình trạng người nông dân phát triển sản xuất theo phong trào, nhằm tạo chỗ đứng cho sản phẩm trong nông nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.
S.Pa