Giảm nghèo bền vững từ nguồn vốn chính sách
Với phương châm “Không để người nghèo và các đối tượng yếu thế bị bỏ lại phía sau’’, thời gian qua, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) luôn phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho hàng chục nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Từ đó, tạo “đòn bẩy” giúp người dân cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Phiên giao dịch lưu động tại xã của phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư Mgar
Sinh ra và lớn lên trong nghèo khó, chị Nguyễn Thị Mai, thôn Hiệp Hưng, xã Quảng Hiệp luôn nỗ lực vươn lên thoát nghèo, nhưng do xuất phát điểm thấp, thiếu đất sản xuất, thiếu vốn đầu tư…, khiến cái nghèo vẫn luôn đeo bám chị và gia đình. Năm 2020, được sự tư vấn từ chính quyền và cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, chị Mai vay 40 triệu đồng với lãi suất ưu đãi dành cho hộ nghèo đầu tư nuôi heo sinh sản. Nhờ áp dụng kỹ thuật và chăm sóc đúng quy trình, việc chăn nuôi phát triển tốt đem về thu nhập hàng chục triệu đồng sau mỗi lần xuất bán heo. Vui mừng trước những thành quả ban đầu, chị và gia đình tiếp tục đầu tư, lứa sau nhiều hơn lứa trước. Sau 3 năm, gia đình chị trả hết nợ, có tiền để mua xe, sửa nhà, cho con cái đi học đầy đủ và được công nhận thoát nghèo từ năm 2023. Không dừng lại ở đó, gần đây chị Thùy tiếp tục vay 70 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện mở rộng quy mô, hiện mô hình chăn nuôi của gia đình đang phát triển theo chiều hướng tích cực.
Chị Mai chia sẻ: Thời gian đầu khi mới vay vốn tôi gặp nhiều khó khăn, do thiếu kinh nghiệm nên đàn heo chậm lớn, sinh sản thưa, đầu ra không ổn định, bị tư thương ép giá… Nhưng may là vốn vay lãi suất thấp, thời hạn vay kéo dài nên tôi mới có thể xoay vòng vốn và tiếp tục tái đầu tư. Khi thoát được nghèo tôi rất mừng, nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn, tôi và gia đình tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa để vươn lên, để gia đình có cuộc sống tốt hơn.
Tương tự chị Mai, gia đình chị Chíu Sám Múi, Buôn Ea Mđroh, xã Ea Mđroh được tiếp cận nguồn vốn 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, chị đầu tư chăn nuôi và trồng trọt. Hiện gia đình chị nuôi 5 con dê và bò. Ngoài phục vụ sức kéo, bán thịt, gia đình chị bán con giống cho các hộ dân khu vực lân cận. Bên cạnh chăn nuôi, gia đình chị trồng gần 500 cây cà phê và các loại rau màu phục vụ thị trường, hằng năm thu nhập hơn 100 triệu đồng, từ đó cải thiện đời sống, dần vươn lên thoát nghèo. Chị Múi cho biết: Từ nguồn vốn vay, gia đình tôi có cuộc sống tốt hơn, có tiền chữa bệnh cho con cái và bố mẹ, cho các cháu đi học đầy đủ… Năm 2024 tôi trả hết gói vay cũ và tiếp tục được vay gói mới trị giá 80 triệu đồng. Mặc dù năm nay cà phê mất mùa nhưng giá cả lại cao, với số tiền này tôi có thể tiếp tục đầu tư, tái cơ cấu cây trồng khác và mở rộng sản xuất.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở huyện Cư Mgar được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH. Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, UBND huyện cụ thể hóa và ban hành các quy định, cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Đến cuối năm 2024, huyện có 2.281 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, trong đó, 448 lượt hộ nghèo, 258 lượt hộ cận nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, cải thiện đời sống; 865 hộ được vay vốn tạo việc làm; 853 hộ được vay vốn xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đảm bảo theo tiêu chuẩn, góp phần cải thiện môi trường xanh, sạch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư tại khu vực nông thôn, …
Đồng chí Y Sếp Niê, Phó giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cư Mgar cho biết: Để những hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên ổn định cuộc sống, huyện tích cực tuyên truyền, vận động; các hội, đoàn thể, trưởng thôn, buôn, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn kịp thời bình xét đối tượng vay vốn, lập hồ sơ vay… Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH được triển khai kịp thời, cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích. Ngoài ra, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện còn được UBND huyện đề xuất Huyện ủy, HĐND huyện bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH huyện 3.6 tỷ đồng ngay từ những ngày đầu năm 2025, nâng tổng nguồn vốn ngân sách địa phương lên hơn 18 tỷ đồng để người dân được vay vốn kịp thời. Đây là “mắt xích” không thể thiếu trong công tác giảm nghèo của địa phương, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân vốn cho các hộ vay.
Hiện nay, Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện đang quản lý, triển khai cho vay 14 chương trình tín dụng CSXH; dư nợ trên 540 tỷ đồng với trên 12.852 khách hàng vay vốn. Nhiều chương trình tín dụng có dư nợ cao, mang lại hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội lớn như: chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn... Nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo có thể tiếp cận với các nguồn vốn chính sách, Ngân hàng CSXH huyện nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác qua các tổ chức như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên. Theo đó, các hoạt động tín dụng CSXH sẽ đến với người dân một cách nhanh nhất, dễ hiểu nhất, tạo điều kiện cho các hộ có thêm động lực để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện sẽ tiếp tục có nhiều giải pháp đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến được đúng đối tượng thụ hưởng, đáp ứng vốn kịp thời cho các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay. Mặt khác, ngân hàng sẽ mở các lớp đào tạo để nâng cao nghiệp vụ ủy thác, ủy nhiệm cho các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn; ứng dụng hiện đại hóa tin học trong hoạt động tín dụng chính sách nhằm đưa nguồn vốn đến với hộ dân một cách nhanh chóng, kịp thời, tạo nhiều kênh trao đổi thông tin để tuyên truyền, phổ biến vốn tín dụng chính sách; nắm bắt kịp thời nhu cầu cũng như khó khăn, vướng mắc của hộ dân để kịp thời tháo gỡ.
Tín dụng CSXH không chỉ là công cụ mà còn là giải pháp quan trọng của Đảng, Nhà nước thực hiện giảm nghèo bền vững, nâng cao sức sản xuất, tạo sinh kế phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định chính trị - xã hội. Khẳng định rõ tín dụng CSXH là một chính sách mang trong mình ý chí, sức mạnh của toàn dân, sự thống nhất của “ý Đảng, lòng dân”.