Hiệu quả bước đầu mô hình nuôi dê nhốt chuồng ở xã EaM’nang.
Thời gian gần đây, nhiều hộ gia đình ở xã EaM'nang đã đầu tư xây dựng chuồng trại, phát triển mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng bước đầu đã mang đến những kết quả rất khả quan.
Nhận thấy diện tích đồng cỏ trên địa bàn ngày càng thu hẹp, gây khó khăn trong việc phát triển chăn nuôi dê theo hướng chăn thả nên gia đình chị Lương Thị Hòa ở thôn 2A xã EaM'nnag đã quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi dê theo cách nhốt chuồng. Năm 2015 gia đình chị Hòa đầu tư 22 triệu đồng mua 5 con dê sinh sản về nuôi. Từ 5 con dê giống ban đầu, đến nay đàn dê của gia đình chị Hòa phát triển thành 12 con, trong đó có 10 con dê cái đang vào độ tuổi sinh sản, đồng thời chị đã bán được 4 con dê đực được hơn 4 triệu đồng. Chị Hòa cho biết, dê là động vật có sức đề kháng cao nên rất ít khi gặp bệnh tật, chỉ một số bệnh như đau bụng, đỏ mắt nếu dùng thuốc điều trị kịp thời thì bệnh sẽ không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của dê. Bên cạnh việc tận dụng nguồn thức ăn cỏ, lá sẵn, lá keo… có trong vườn, chị Hòa còn trồng hơn 1 sào cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho dê. Mỗi ngày, chị Hòa cho dê ăn vào hai buổi sáng, chiều. Mỗi con dê trung bình ăn từ 2 - 4kg lá, cỏ.
Chị Hòa chia sẻ: "Trước đây trên địa bàn xã có nhiều hộ gia đình nuôi dê theo hướng chăn thả, nhưng do đồng cỏ thu hẹp dần nên người nuôi gặp khó khăn. Từ khi chuyển sang chăn nuôi dê theo hướng nhốt chuồng tôi thấy công sức bỏ ra không nhiều mà lại có hiệu quả khá cao. Tôi còn chủ động được nguồn thức ăn để đàn dê phát triển tốt. Thời gian qua, nhiều thương lái đến mua dê với mức giá 90 - 100 ngàn đồng/kg thịt hơi, tuy lãi rất cao nhưng tôi không bán, giữ lại để phát triển thêm số lượng đàn dê của gia đình".
Ông Bùi Minh Bảo – Cán bộ khuyến nông xã EaM'nang cho biết: "Nuôi dê nhốt chuồng là mô hình được hình thành trong vòng 3 năm nay ở xã EaM'nang. Bước đầu mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người chăn nuôi. Hiện nay trên địa bàn xã có gần 600 con dê đang sinh trưởng phát triển tốt, ít bị bệnh tật. Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi các mô hình này để thời gian tới sẽ khuyến khích bà con nhân rộng nhằm tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân". Ông Bảo cho biết thêm, thị trường tiêu thụ thịt dê khá ổn định, các thương lái, nhà hàng thu mua với giá giao động từ 90 - 120 ngàn đồng/kg thịt hơi. Ở xã EaM'nang, ngoài gia đình chị Lương Thị Hòa còn có khoảng 60 hộ khác chăn nuôi dê nhốt với số lượng từ 8 - 60 con. Tận dụng diện tích đất vườn rộng rãi, người dân xã EaM'nang xây dựng chuồng cho dê rộng từ 10 m2 – 30m2, có sàn cao hơn mặt đất khoảng một mét, xung quanh khoanh kín bằng lưới thép B40 với tổng diện tích trên 500m2, đảm bảo có sân cho dê đi lại. Cũng theo lời ông Bùi Minh Bảo thì nuôi dê nhốt chuồng dễ kiểm soát được dịch bệnh, đầu ra khá ổn định nên người nuôi rất hứng thú. Do chủ động được thời gian chăm sóc đàn dê, nên người nuôi dê còn tranh thủ làm thêm được nhiều việc khác để tăng thu nhập cho gia đình. Thời gian qua, bên cạnh các mô hình mang lại nguồn thu nhập khá cao như nuôi bò vỗ béo, lợn thịt, chăn nuôi dê nhốt chuồng là mô hình được nhiều người dân quan tâm. Mô hình này bước đầu đã mang hiệu quả rất khả quan, đàn dê nhốt sinh trưởng phát triển tốt, không gặp bệnh tật
Cũng theo lời ông Bùi Minh Bảo – cán bộ khuyến nông xã EaM'nang thì nếu nuôi dê cái sinh sản từ 3 – 5 con, bà con nông dân không nên nuôi dê đực. Khi đàn dê đã phát triển từ 12 – 15 con thì nông dân nên nuôi 1 con dê đực. Đặc biệt trong thời gian dê mẹ mang thai nên tránh cho tiếp xúc với dê đực.
Mô hình nuôi dê nhốt chuồng thực sự đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân trên địa bàn xã EaM'nang. Với nguồn vốn đầu tư ít lại tận dụng được công lao động nên rất phù hợp với người nông dân, nhất là những hộ nghèo ở nông thôn. Hy vọng trong thời gian tới, xã EaM'nang sẽ nhân rộng mô hình này, góp phần vào quá trình thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương./.
Công Phong – Đài TT CưM'gar.