Hiệu quả bước đầu từ mô hình nuôi dúi của gia đình anh Đinh Xuân Dũng ở thôn Hiệp Đoàn xã Quảng Hiệp
Thời gian qua, trong khi một số mặt hàng nông sản truyền thống của người nông dân bị rớt giá, đời sống gặp nhiều khó khăn, thì nhiều hộ gia đình nông dân ở huyện Cư M'gar đã chủ động tìm tòi, học hỏi chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế và đã mang lại thu nhập cao, ổn định. Điển hình như mô hình nuôi dúi của gia đình anh Đinh Xuân Dũng ở thôn Hiệp Đoàn xã Quảng Hiệp. Mô hình không những mang lại hiệu quả kinh tế riêng cho gia đình anh Dũng mà còn mở ra hướng đi mới nhiều triển vọng cho người dân ở địa phương.
Anh Đinh Văn Dũng (áo đỏ) giới thiệu mô hình nuôi dúi của gia đình
Sau nhiều năm trồng cà phê, chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà thương phẩm, nhưng do biến động của thị trường và chi phí đầu tư sản xuất lớn, đầu ra chưa ổn định, anh Đinh Xuân Dũng ở thôn Hiệp Đoàn (xã Quảng Hiệp) đã quyết định tìm hướng phát triển kinh tế mới phù hợp với điều kiện thực tế và xu hướng chung. Qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, anh Dũng biết đến mô hình chăn nuôi dúi và đã ghi chép lại cẩn thận để học và làm theo. Năm 2017 anh Dũng đã đầu tư mua 08 cặp dúi giống trị giá 2,4 triệu đồng và đầu tư xây dựng chuồng trại hơn 80 triệu đồng. Sau một thời gian chăm sóc và nuôi dưỡng, đàn dúi của gia đình anh Dũng luôn sinh sản và khỏe mạnh, không có dịch bệnh và gia đình anh tiếp tục đầu tư mở rộng để nuôi dúi theo mô hình trang trại. Anh Đinh Xuân Dũng ở thôn Hiệp Đoàn (xã Quảng Hiệp) cho biết: Chuồng nuôi dúi được thiết kế khá đơn giản, không tốn nhiều diện tích, có thể xây hoặc dùng gạch lát nền gắn lại với nhau theo kích thước 60 nhân 60 cm. Tuy nhiên chuồng nuôi dúi phải kín gió, nên bố trí khu vực nuôi dúi nơi ít tiếng động, không bị ánh sáng mặt trời chiếu thẳng trực tiếp vào chuồng. Thức ăn của dúi cũng khá đơn gian như: tre, ngô, mía, cỏ voi hoặc các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Để giảm chi phí, anh Dũng còn tận dụng đất vườn để trồng mía, trồng tre, cỏ voi để làm thức ăn cho dúi. Đồng thời chăn nuôi thêm thỏ, chồn nhung đen, chim bồ câu, gà thả vườn. Riêng đối với dúi thì việc nuôi không khó, nhưng cần lưu ý thức ăn cho dúi phải khô ráo, sạch sẽ để dúi không mắc bệnh tiêu chảy. Trung bình mỗi năm dúi cái đẻ từ 03 đến 04 lứa, mỗi lứa từ 02 đến 03 con. Dúi con nuôi khoảng 02 đến 03 tháng là có thể bán làm con giống, còn dúi thương phẩm (dúi thịt) nuôi từ 06 đến 07 tháng đã có thể đạt trọng lượng từ 1,2 đến 1,5 kg. Việc nuôi dúi không tốn nhiều thời gian, sản phẩm tiêu thụ cũng khá thuận lợi, người mua đến tận nơi để thu mua dúi thương phẩm với giá 500.000đ/kg, còn dúi giống thì mỗi cặp là 500.000đ. Với những thuận lợi và hiệu quả trong chăn nuôi, dự kiến thời gian tới gia đình anh Dũng tiếp tục mở rộng diện tích chuồng để nuôi dúi.
Sau hơn 03 năm bắt tay chuyển đổi mô hình sản xuất bằng mô hình nuôi dúi, vừa tìm hiểu vừa đút rút kinh nghiệm, đến nay gia đình anh Đinh Xuân Dũng ở xã Quảng Hiệp đã cơ bản nắm được đặc điểm, kỹ thuật chăn nuôi dúi thuần và được cơ quan chức năng cấp giấy phép chăn nuôi theo đúng quy định. Từ 08 cặp dúi giống ban đầu, hiện nay gia đình anh Dũng đã xây dựng khu vực chăn nuôi với tổng diện tích gần 80 m2 với khoảng 50 cặp dúi sinh sản được nuôi gối nhau. Từ chăn nuôi dúi, sau khi trừ chi phí đầu tư, công chăm sóc mỗi năm gia đình anh Dũng thu về được hơn 250 triệu đồng.
Trao đổi thêm với chúng tôi về mô hình nuôi dúi của gia đình anh Đinh Xuân Dũng, ông Đặng Ngọc Thao – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Hiệp cho biết: Mô hình nuôi dúi của gia đình anh Dũng là một mô hình tương đối mới ở địa phương và cho thu nhập kinh tế cao cho người chăn nuôi. Thời gian tới Hội Nông dân xã sẽ tuyên truyền, vận động hội viên trong xã có điều kiện thì chuyển sang nuôi dúi, từ đó mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, tạo liên kết trong sản xuất, chăn nuôi, nhằm nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện hiệu quả trong công tác giảm nghèo ở địa phương ./.
Công Phong