Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng na Thái của gia đình anh Võ Đăng Giáp ở thôn Tân Sơn xã Ea Drơng
Trong những năm qua nhiều hộ gia đình nông dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, chủ động áp dụng các tiến bộ KHKT-công nghệ vào sản xuất để cải thiện và nâng cao thu nhập, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn và đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Mô hình trồng na Thái của gia đình anh Võ Đăng Giáp ở thôn Tân Sơn xã Ea Drơng là một trong những ví dụ điển hình.
Anh Võ Đăng Giáp đang giới thiệu mô hình
Gia đình anh Võ Đăng Giáp có 01 ha hồ tiêu, tuy nhiên vườn cây thường xuyên bị dịch bệnh, giá cả thị trường lại bấp bênh nên thu nhập chẳng được bao nhiêu. Sau khi nghiên cứu và tham khảo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhận thấy mô hình trồng cây na Thái (na Hoàng Hậu) mang hiệu quả kinh tế, nên cuối năm 2018 anh Giáp đã mạnh dạn cải tạo đất, đầu tư trồng 100 cây na Thái (khoảng 1,5 sào đất). Sau gần 03 năm triển khai trồng na Thái, anh Giáp cho biết: Đây là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương. Từ lúc tiến hành xuống giống cho đến khi na ra trái từ 16 đến 18 tháng, năng suất bình quân mỗi cây khoảng 12kg/vụ đầu tiên và tăng dần ở các năm tiếp theo do tán cây phát triển. Quả na Thái khi chín có mùi thơm, vỏ màu vàng, da căng, trọng lượng quả to gấp từ 03 đến 05 lần so với quả na truyền thống. Thông thường quả na Thái nhỏ nhất cũng đạt trọng lượng 700 gam, có quả đạt đến 1,2 kg. Hiện tại gia đình anh nhập hàng cho các siêu thị với giá từ 35.000đ đến 40.000đ/kg. Để trồng na Thái hiệu quả, đầu tiên người trồng phải xử lý đất thật tốt, chủ động trong khâu chọn giống, thường xuyên nghiên cứu, theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của cây để chăm sóc cho phù hợp.
Quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây na Thái tương tự như giống cây na truyền thống. Sau khi thu hoạch, người trồng phải chủ động tỉa cành, bón phân vào những thời điểm thích hợp để nuôi cây. Thời điểm cây ra quả bói thì bà con nông dân không nên để quả quá nhiều, cần cắt bỏ bớt để cây nuôi quả. Bình quân thu bói mỗi cây chỉ nên để từ 15 đến 20 quả nhằm đảm bảo cho sự sinh trưởng và phát triển cho cây trong những năm tiếp theo. Khi vườn cây đã bước vào chu kỳ kinh doanh thì cũng chỉ nên để mỗi cây khoảng 40 quả/vụ. Giống cây na Thái thường ít bị sâu bệnh gây hại, nên chi phí đầu tư chăm sóc không nhiều thấp. Cây na Thái thường hay bị rệp sáp hại rễ và quả, do đó bà con nông dân phải thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý rệp sáp kịp thời để đảm bảo năng suất và chất lượng vườn cây.
Cũng theo lời anh Giáp - so với nhiều loại cây ăn quả được trồng ở địa phương, thì trồng na Thái có nhiều ưu điểm, có tiềm năng phát triển kinh tế cao hơn. Na Thái mỗi năm có thể ra 02 đợt quả. Với 100 gốc na Thái, năm đầu tiên thu bói gia đình anh đã thu lãi được hơn 15 triệu đồng. Vì vậy thời gian tới gia đình anh sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng trồng na Thái trên toàn bộ diện tích đất của gia đình để cung cấp cho thị trường. Được biết, hiện nay mô hình kinh tế của gia đình anh Giáp không chỉ có na Thái mà còn có các loại cây khác cho thu nhập quanh năm như sầu riêng, mít, chanh, kết hợp với nuôi gà thả vườn cho thu nhập hàng năm đạt từ 200 đến 250 triệu đồng ./.
Công Phong