Hiệu quả hoạt động của Tổ vay vốn và tiết kiệm ở xã Ea Kuêh
Tổ Tiết kiệm và vay vốn ở thôn, buôn, Tổ dân phố được ví như “cánh tay nối dài” của Ngân hàng chính sách xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách, đã góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng kịp thời, tiết giảm chi phí, thời gian cho người vay và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Năm 2018, gia đình ông Y Niêng Niê– người dân tộc Êđê, ở Buôn H luk, xã Eakuêh là hộ nghèo. Thông qua Tổ tiết kiệm vay vốn của Chi hội Nông dân buôn, gia đình ông Y Niêng Niê được vay 50 triệu đồng để đầu tư mua phân bón, chăm sóc cà phê. Trong suốt thời gian này gia đình ông Y Niêng Niê đã sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế. Hiện nay gia đình ông Y Niêng Niê đã thoát khỏi hộ nghèo, vươn lên khá giả. Kinh tế gia đình đã đủ trang trải cuộc sống và nuôi 2 con ăn học.
Ông Y Thành Êban – Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn buôn Hluk, xã Eakuêh cho biết: “Tổ đang quản lý 57 thành viên, dư nợ gần 2.1 tỷ đồng và không có nợ quá hạn. Có được kết quả đó, trong quản lý vốn, tôi tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban sau buổi giao dịch để nắm chính sách vốn, tham gia các chương trình tập huấn và nắm chắc nghiệp vụ, quy trình cho vay. Hàng tháng, tôi tuyên truyền, vận động các hộ về mục đích sử dụng vốn, theo dõi, nhắc nhở kịp thời các hộ vay về các khoản nợ sắp đến hạn”.
Toàn xã Eakuêh hiện có 21 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong thời gian qua, các Tổ luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình Để hoạt động vay vốn được hiệu quả, giải ngân đúng đối tượng, các tổ tiết kiệm và vay vốn ở xã Eakuêh thực hiện đúng quy định việc bình xét hộ vay công khai, dân chủ có sự giám sát của chính quyền, Hội cấp xã và nhanh chóng hướng dẫn hộ vay hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để ngân hàng giải ngân, không để đọng vốn; đôn đốc hộ vay trả vốn khi đến hạn.
Ông Y Sếp Niê – Phó giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện CưMgar cho biết: Hoạt động của các tổ TK&VV đã tác động tích cực đến nhận thức của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ vươn lên, tạo được tính cộng đồng, có sự tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong tổ. Đồng thời, các tổ TK&VV còn là kênh dẫn vốn trực tiếp, hiệu quả đến tận cơ sở, giúp NHCSXH chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng và thực hiện một số công việc được NHCSXH ủy nhiệm, như: Họp bình xét cho vay; giám sát việc sử dụng vốn vay; theo dõi, đôn đốc người vay trả nợ khi đến hạn; tuyên truyền, vận động tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm, nhằm tạo thói quen tiết kiệm tích lũy trả dần nợ gốc; thực hiện thu lãi, thu tiết kiệm theo định kỳ hàng tháng; phối hợp xử lý nợ tồn đọng, nợ rủi ro... hiệu quả.
Hoạt động của các tổ Tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn huyện đã tạo điều kiện cho việc truyền tải chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước tới các hộ nghèo, đối tượng chính sách khác nhanh chóng, thuận tiện, hiệu quả, giúp họ vươn lên phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.