Hiệu quả mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của Trung tâm Dạy nghề huyện Cư M'gar
Dưa lưới là một loại cây trồng họ bầu bí, có thời gian gian sinh trưởng ngắn. Dưa lưới có đặc tính mát, giàu vitamin và chất xơ, được nhiều người ưa chuộng, nhất là vào mùa hè. Hiện nay việc trồng dưa lưới công nghệ cao, trồng trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGap đã được nhiều nơi áp dụng nhằm cung cấp thực phẩm sạch, chất lượng, đảm bảo sức khỏe người trồng và người tiêu dùng.
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thượng Hải thu hoạch dưa lưới - Ảnh: AMa Vũ
Với mong muốn giúp bà con nông dân tiếp cận với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, 2 năm trở lại đây Trung tâm Dạy nghề huyện Cư M'gar đã triển khai mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng. Vụ dưa lưới đầu tiên được trồng ngoài trời theo cách truyền thống trên từng luống nhỏ. Trồng cách này, dưa thường bị nám một bên do trồng dưới đất và bị sương muối gây nên hiện tượng rụng quả, nếu trồng dưa lưới ở ngoài bà con nông dân chỉ có thể trồng được 2 vụ/năm. Do đó, bước sang năm thứ 2, trung tâm Dạy nghề đã đầu tư nhà màng diện tích 300m2, với kinh phí khoảng 100 triệu đồng. Ưu điểm trồng dưa trong nhà màng là ngăn côn trùng từ bên ngoài xâm nhập vào và không bị sương muối. Bên trong nhà màng còn lắp quạt đối lưu duy trì độ ẩm thường xuyên cho cây và hạn chế được độ ẩm của thời tiết do mưa gió. Do được cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài, nên dưa rất ít bị sâu bệnh tấn công, côn trùng phá hoại, hoặc ảnh hưởng do thời tiết bất lợi.
Dưa lưới thuộc họ bầu bí, có nguồn gốc từ Ấn Độ, thời gian sinh trưởng ngắn, trồng được nhiều vụ trong năm. Hiện nay dưa lưới được trồng khắp nơi trên thế giới và được xem là thực phẩm dinh dưỡng cao. Thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 75 ngày. Để trồng dưa lưới thành công thì ngoài việc chọn nguồn gốc giống có xuất xứ rõ ràng, cần chú ý đến việc cung cấp dinh dưỡng cho cây theo từng giai đoạn.
Chủ tịch UBND huyện Trương Văn Chỉ thu hoạch dưa - Ảnh: AMa Vũ
Đối với việc trồng dưa lưới trong nhà màng, chúng ta có thể gieo hạt trực tiếp trên luống sau khi đã bón lót một lượng phân chuồng nhất định. Ngoài ra bà con nông dân phải dùng dây treo cây và treo quả. Dây treo cây sẽ giúp cho cây dưa lưới quang hợp ánh sáng được tốt hơn, giúp cây phát triển tốt. Việc treo quả giúp cho quả dưa lưới tránh việc nám một phần quả do nằm xuống đất, điều này tránh cho dưa bị úng, nên khi bán ra thị trường được ưa chuộng và đạt giá cao hơn.
Đ/c Nguyễn Thượng Hải - TUV, Bí thư Huyện ủy; đ/c Trương Văn Chỉ - PBT Huyện ủy Chủ tịch UBND huyện chụp ảnh lưu niệm bên vườn dưa - ẢNh: AMa Vũ
Với diện tích 300m2, Trung tâm Dạy nghề huyện Cư M'gar trồng 600 cây, mỗi cây thu hoạch 1 quả với trọng lượng 1,8 - 2,2kg, trung bình mỗi vụ thu hoạch được khoảng 1 tấn dưa, với giá là 30 ngàn đồng/kg, trung tâm thu được trên 30 triệu đồng. Trong khi đó chi phí về giống, công chăm sóc chỉ vài triệu đồng. Tuy nhiên chi phí ban đầu để làm nhà, bạt phủ tránh mưa gió, bạt trải ở dưới đất có chi phí lớn nên mô hình này có khả thi hơn với các hộ có điều kiện kinh tế. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Giao - Giám đốc trung tâm Dạy nghề huyện Cư M'gar cho biết: "Việc trồng dưa lưới trong nhà màng có rất nhiều lợi ích, đối với người sản xuất thì hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, do đó sức khỏe của người lao động sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó, hiệu quả và năng xuất cao hơn hẳn do đã ngăn chặn được xâm nhập của côn trùng gây hại".
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng do Trung tâm Dạy nghề huyện Cư M'gar triển khai bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đây là một hướng đi mới cho người nông dân huyện Cư M'gar./.
Công Phong - Đài TT CưM'gar