Hiệu quả từ các mô hình phát triển kinh tế ở xã Ea Kuêh, huyện Cư M'gar
Nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, việc xây dựng các mô hình phát triển sản xuất là bước đi quan trọng trong việc nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống bền vững cho người dân theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, Hội Nông dân xã Ea Kuêh đã quan tâm đẩy mạnh các hoạt động giúp người dân phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Trước đây, gia đình anh Phạm Văn Chuyển ở buôn Luk, xã Ea Kuêh chăn nuôi heo nhưng do giá cả bấp bênh, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên lợi nhuận đem lại không cao, nhiều năm chỉ hòa vốn, thậm chí còn bị lỗ. Quyết tâm thay đổi hướng đi trong sản xuất để thu được hiệu quả kinh tế cao hơn, qua tìm hiểu ở một số nơi, anh Chuyển nhận thấy mô hình nuôi vịt siêu trứng đơn giản và đỡ vất vả hơn nuôi heo, lại phù hợp với điều kiện gia đình. Năm 2002, anh Chuyển đã mạnh dạn đầu tư vốn xây dựng chuồng trại và bắt tay vào nuôi thử nghiệm vài chục con vịt gần 3 tháng tuổi. Sau hơn 1 tháng nuôi thử nghiệm, đàn vịt đã cho thu hoạch và hiệu quả đem lại cũng khá cao. Từ thành công bước đầu, anh Chuyển đã mạnh dạn đầu tư nuôi thêm đàn vịt siêu trứng, đến nay đàn vịt đã phát triển lên gần 800 con vịt siêu trứng. Trong quá trình nuôi, để tránh rủi ro cho đàn vịt, anh Chuyển đã tích cực tìm hiểu phương pháp, kỹ thuật chăn nuôi qua sách báo, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình trong chăn nuôi từ khâu cho ăn tới việc vệ sinh chuồng trại và tiêm vắc xin phòng ngừa dịch bệnh định kỳ… Hiện nay, trung bình mỗi ngày anh thu được hơn 600 quả trứng vịt, trừ chi phí thức ăn, công chăm sóc, gia đình anh thu lãi được khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng. Sản phẩm trứng vịt của gia đình anh đã có mặt ở hầu hết các địa phương trong huyện. Anh Phạm Văn Chuyển chia sẻ: "Để đàn vịt sinh trưởng, phát triển và cho chất lượng trứng tốt thì trước hết người chăn nuôi cần bảo đảm được nguồn giống, thức ăn phải là cám tổng hợp mới bảo đảm dinh dưỡng. Phải vệ sinh chuồng trại thường xuyên, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin. Sau khoảng 2 năm phải tiến hành thay đàn vịt mới…"
Khi mới ra ở riêng, vợ chồng Y Tiêm, sinh năm 1982 ở buôn Jun, xã EaKuêh được bố mẹ hai bên cho 1,1 ha đất. Lúc đầu Y Tiêm trồng hoa màu, sau đó, qua tham quan học hỏi các mô hình làm ăn kinh tế, anh đã quyết định đầu tư trồng cà phê, một loại cây chủ lực ở địa phương cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2004 anh đã chuyển đổi toàn diện tích canh tác hoa màu sang trồng cà phê. Khi cây cà phê chưa phân tán, anh đưa cây ngô vào trồng xen nên dù cà phê chưa cho thu hoạch anh vẫn bảo đảm được kinh tế cho gia đình. Vốn chỉ quen với canh tác hoa màu nên Y Tiêm cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc trồng, chăm sóc cà phê nên lúc đầu năng suất vườn cà phê không cao, nếu như năng suất của các hộ dân khác trong xã đạt 3,5 - 4 tấn/ha thì vườn cà phê của gia đình anh chỉ đạt từ 2,3 – 2,5 tấn/ha, năm nào cao nhất thì cũng chỉ được 3 tấn/ha. Với bản tính cần cù chịu khó và ham học hỏi, anh đã dành nhiều thời gian tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng và tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác do địa phương tổ chức, đồng thời thường xuyên tham quan, tìm hiểu các mô hình kinh tế sản xuất giỏi ở địa phương, áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Nhờ vậy, mô hình kinh tế gia đình anh ngày càng phát triển ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Y Tiêm chia sẻ: "Trước đây, tôi cứ nghĩ bón nhiều phân hóa học là tốt nhưng không phải vậy, bón nhiều quá sẽ làm cho đất ngày càng trở nên chai cứng, độ tươi xốp giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của cây trồng. Hiện nay, ngoài bón phân hóa học, tôi còn kết hợp bón cả phân vi sinh. Phân vi sinh có giá thành rẻ hơn, không chỉ giảm được chi phí mà còn nâng cao được năng suất cho cây trồng. Với 1,1 ha cà phê, mỗi năm gia đình tôi thu được 5,2 tấn, năng suất bình quân đạt 4,5 - 5 tấn/ha, cao hơn rất nhiều so với trước đây…". Trên diện tích cà phê của gia đình, anh Y Tiêm Niê còn trồng xen một số lại cây như: điều, cây ăn quả và hồ tiêu. Cách làm này đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Ngoài ra, vợ chồng anh còn đi làm công, mượn thêm đất để trồng ngô. Đến nay, tổng thu nhập của gia đình anh đạt 200 triệu đồng/năm.
Anh Y Tiêm Niê và Anh Phạm Văn Chuyển là những tấm gương làm kinh tế giỏi đáng để chúng ta tham khảo, học tập./.
Công Phong - Đài TT CưM'gar