Thứ tư, ngày 19 tháng 02 năm 2025
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Trong tháng:

Tất cả:

Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
Cập nhật lúc: 04/03/2024

Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng ở xã Ea Kpam

Trong những năm qua nhiều hộ gia đình nông dân ở xã Ea Kpam đã học hỏi, đầu tư xây dựng mở rộng chuồng trại, phát triển mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

42.28

Lãnh đạo xã Ea Kpam thăm mô hình nuôi dê của anh Nguyễn Trung Hiếu 

Phong trào nuôi dê nhốt chuồng ở xã Ea Kpam phát triển khá mạnh từ 06 đến 07 năm gần đây bởi do địa phương có lợi thế về nguồn thức ăn, mô hình chăn nuôi phù hợp với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đất sản xuất ít... 

Sau khi học hỏi và nhận thấy mô hình nuôi dê nhốt chuồng khá thuận lợi, khả năng thu hồi vốn trong thời gian ngắn, năm 2018 anh Nguyễn Trung Hiếu ở thôn 1 xã Ea Kpam đã bàn với vợ đầu tư phát triển kinh tế bằng việc nuôi dê theo hình thức nhốt chuồng. Ban đầu gia đình anh Hiếu đã đầu tư gần 300 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua 200 con dê về nuôi. Vừa chăn nuôi anh Hiếu vừa tìm hiểu thêm kinh nghiệm từ bạn bè, qua sách báo và thông tin từ mạng Internet, nên đàn dê của gia đình anh phát triển nhanh, ít bệnh tật. Thấy chăn nuôi bước đầu thuận lợi và hiệu quả, anh Hiếu tiếp tục phát triển đàn theo đuổi ước mơ làm giàu. Có lúc cao điểm đàn dê gia đình anh Hiếu lên đến 700 con. Anh Hiếu cho biết: dê là giống vật nuôi dễ, nuôi khoảng 05 đến 06 tháng là đã có thể xuất chuồng (dê thương phẩm). So với các loài vật nuôi khác thì dê bán khá được giá, thời điểm thấp giá dê hơi từ 55 đến 70.000đ/kg, có thời điểm cao từ 100 đến 140.000đ/kg. Từ chăn nuôi dê, hằng năm gia đình anh Hiếu thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Cũng như gia đình anh Hiếu, năm 2019 gia đình chị Nguyễn Thị Phương ở thôn 1 xã Ea Kpam đã quyết định đầu tư 40 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua 08 con dê sinh sản về nuôi theo hình thức nhốt chuồng. Từ 08 con dê giống ban đầu, đến nay đàn dê của gia đình chị Phương đã phát triển thành 32 con, trong đó có 15 dê cái sinh sản. Chị Phương cho biết: dê là động vật dễ nuôi, có sức đề kháng tốt nên ít bệnh tật. Dê chỉ thường mắc một số bệnh như đau bụng, bệnh mắt đỏ, dùng thuốc điều trị kịp thời thì bệnh sẽ không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của  dê. Bên cạnh việc tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong vườn, rẫy như cỏ, lá sắn, lá keo… chị Phương còn trồng hơn 01 sào cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho dê. Chị Nguyễn Thị Phương ở thôn 1 xã Ea Kpam cho biết: Trước đây trên địa bàn xã đã có nhiều hộ gia đình đầu tư chăn nuôi dê theo hình thức chăn thả, nhưng do đồng cỏ ngày càng bị thu hẹp, nên người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn và chuyển sang nuôi bằng hình thức nhốt chuồng. Từ khi chuyển sang chăn nuôi dê theo hướng nhốt chuồng, công sức bỏ ra không nhiều nhưng hiệu quả kinh tế cũng tương đối vì chủ động được thời gian và nguồn thức ăn là cỏ. Thời gian gần đây nhiều thương lái đã đặt mua dê của gia đình chị với giá từ 90 đến 100.000đ/kg thịt dê hơi. Bên cạnh bán dê thương phẩm để trang trải cuộc sống gia đình, chị Phương còn tiếp tục giữ lại những con dê có thể trạng tốt để phát triển thêm đàn. 

Theo thống kê - hiện nay địa bàn xã Ea Kpam có khoảng 50 hộ gia đình đầu tư chăn nuôi dê với số lượng trên 2.000 con, phần lớn là nuôi theo hình thức nhốt chuồng. Hiện chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi các mô hình chăn nuôi dê, khuyến khích người chăn nuôi mở rộng quy mô để tăng thu nhập. Hiện thị trường tiêu thụ thịt dê khá ổn định, các thương lái, nhà hàng thu mua với giá dao động từ 90 đến 120.000đ/kg thịt hơi. Để hoạt động chăn nuôi dê của bà con nông dân phát triển bền vững, đến nay chính quyền xã Ea Kpam đã xúc tiến, hỗ trợ và xây dựng thành công thương hiệu thịt dê của địa phương đạt sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Thực tế cho thấy - mô hình nuôi dê nhốt chuồng thật sự đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân ở xã Ea Kpam nói riêng và ở các địa phương trong huyện nói chung. Mô hình phát triển kinh tế này có vốn đầu tư ít, tận dụng được công lao động phù hợp với bà con nông dân, nhất là đối với những gia đình hộ nghèo ở địa bàn nông thôn, qua đó góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp ở địa phương./.

Công Phong   

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang