Hiệu quả từ mô hình nuôi dúi sinh sản và thương phẩm.
Dúi hay còn gọi là chuột nứa được xếp vào loại vật nuôi đặc sản, có giá trị cao trên thị trường. Trước sự khan hiếm của dúi trong tự nhiên do săn bắt, hiện nay nhiều hộ nông dân trong cả nước đã thuần hóa và đưa vào nuôi tạo ra những mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, giúp nông dân thoát nghèo. Ở thôn 3, xã Cư Suê gia đình ông Trần Thế Văn đã khởi nghiệp với 5 cặp dúi giống, nhưng đến nay đã phát triển quy mô chăn nuôi lên hơn 50 cặp, có thời điểm lến đến 120 cặp dúi giống.
Trang trại dúi với quy mô hàng chục chuồng nuôi được ông Trần Thế Văn gây dựng cách đây 5 năm. Năm 2011, khi tiếp xúc với loại động vật này ông Văn nhận thấy đây là giống dễ nuôi, ít tốn nhân công, chi phí đầu tư ban đầu thấp, hiệu quả xoay vòng vốn nhanh, ít rủi ro, nên ông đã quyết định đầu tư 20 triệu đồng để nuôi dúi.
Khởi nghiệp nuôi dúi chỉ với 5 cặp giống, vốn ít, chưa có kinh nghiệm chăn nuôi là những yếu tố ban đầu khiến ông Trần Thế Văn không khỏi lo lắng. Thời điểm đó, trên địa bàn xã CưSuê chưa có hộ gia đình nào nuôi dúi quy mô nhiều, nên trong suốt quá trình chăn nuôi Ông Văn chủ yếu vừa nuôi vừa học hỏi, tự rút kinh nghiệm. Theo ông Văn, ưu điểm lớn nhất của nuôi dúi là chi phí đầu tư ban đầu thấp, ít tốn diện tích, ít dịch bệnh và đặc biệt là nguồn thức ăn rất rồi dào, dễ kiếm. Thân cây tre và thân cây mía là hai loại thức ăn hàng ngày cho dúi, đây không những là nguồn thức ăn gần gũi nhất với con dúi ngoài môi trường tự nhiên mà còn là nguồn bổ sung lượng nước thích hợp nhất. Trước khi cho dúi ăn, mía và thân tre bánh tẻ có thời gian sinh trưởng khoảng 1 năm được loại hết cành lá, và chặt thành từng đốt có chiều dài từ 15 - 20cm. Tùy từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của dúi, người nuôi có thể bổ sung cho dúi một số loại thức ăn khác như cành, rễ cây, các loại củ quả, hạt thô.
Khẩu phần thức ăn trung bình một ngày cho cá thể dúi từ 2 - 3 tháng tuổi cho ăn từ 50 - 100g loại củ quả, thân, rễ cây. Ở đây thức ăn chính là mía và tre và từ 5 - 10 gam lúa, đậu, đỗ, ngô các loại. Dúi từ 3 - 6 tháng tuổi tăng lượng thức ăn chính lên 150 - 250 g, duy trì từ 5 - 15 g thức ăn dạng hạt. Dúi trưởng thành thời gian sinh trưởng từ 6 - 9 tháng tuổi, lượng thức ăn chính từ 250 - 350g một ngày, thức ăn dạng hạt tăng lên 15 - 30g. Đối với dúi sinh sản ngoài cung cấp lượng thức ăn hàng ngày như dúi trưởng thành người nuôi có thể bổ sung thêm các loại thức ăn là côn trùng, lượng thức ăn cho mỗi cá thể trong chuồng nuôi có thể điều chỉnh bằng cách quan sát. Nếu sau 12 giờ cho ăn, dúi ăn hết khẩu phần thì bổ sung thêm, ngược lại nếu thức ăn còn thừa thì giảm bớt khẩu phần trong những lần cho ăn sau. Thức ăn cho dúi phải đảm bảo tươi xanh, tuyệt đối không cho dúi ăn thức ăn chua, mốc để đề phòng bệnh đường ruột. Dúi là loại động vật thích ánh sáng tán xạ, nên chuồng nuôi phù hợp nhất là kiểu chuồng nửa sáng, nửa tối, không có ánh sáng trực tiếp, tránh mưa tạt, gió lùa, nắng nóng và bố trí ở khu vực yên tĩnh, nhất là đối với chuồng dúi sinh sản. Các ô chuồng được bố trí sát nhau với chiều rộng từ 0,5 - 0,6 m, dài từ 0,8 - 1m, tường cao khoảng 0,7m; nền chuồng đổ bê tông, hoặc lát gạch có độ dốc từ 1 - 2%, dày từ 8 - 10cm để thoát nước và dúi không đào hang chui ra ngoài. Tùy theo kích thước ô chuồng 1m2 hay 2 m2 mà có thể nuôi dúi sinh sản hay nuôi dúi thương phẩm với số lượng từ 1 - 2 cá thể 1 ô chuồng. Có thể sử dụng chuồng nuôi thương phẩn để nuôi dúi sinh sản, tuy nhiên người nuôi cần nhận biết khi nào dúi mang thai để tách chuồng. Dúi sau thời gian sinh trưởng từ 8 - 9 tháng là bước vào giai đoạn sinh sản. Mỗi năm dúi đẻ từ 3 - 4 lứa, mỗi lứa từ 2 - 5 con. Do đặc tính tự nhiên tương đối giống loại chuột, nên dúi mẹ nuôi con ít hao hụt, tỷ lệ con sống đến giai đoạn trưởng thành lên tới trên 90%. Nếu cung cấp khẩu phần ăn đúng, ăn đầy đủ cho dúi mẹ thì sau từ 40 - 45 ngày tuổi dúi con có thể tách đàn, lúc này mỗi cá thể dúi đạt trọng lượng từ 200 - 250g. Dúi trưởng thành có chiều dài thân từ 25 - 35cm, trọng lượng đạt từ 1,2 - 3kg một con, để nuôi sinh sản tốt, người nuôi cần chú ý giai đoạn ghép đôi đúng thời điểm. Dúi là động vật hoang dã nên có sức đề kháng mạnh, ít dịch bệnh. Tuy nhiên dúi vẫn bị một số bệnh thông thường như bệnh ký sinh trùng ngoài da, bệnh đường ruột. Để phòng trừ các loại bệnh này người nuôi nên định kỳ vệ sinh, sát trùng chuồng trại, không dùng các loại thức ăn héo úa, ẩm mốc cho dúi ăn. Từ không có kinh nghiệm trong chăn nuôi, đến nay trại nuôi dúi của gia đình ông Văn đã phát triển diện tích từ 20m2 lên 60m2, thời gian cao điểm nhất ông tăng đàn lên đến 200 cá thể. Với phương thức nuôi sinh sản, 1 năm ông Văn bán từ 40 - 50 cặp giống, giá dúi trung bình khoảng 700 ngàn/1 cặp, thì mỗi năm nghề nuôi dúi đã cho gia đình ông thu nhập khoảng trên 50 triệu đồng. Cùng với nuôi dúi sinh sản, ông Văn còn mở rộng nuôi dúi thương phẩm được thị trường rất ưa chuộng với giá từ 400 - 500 ngàn đồng/1kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm từ chăn nuôi dúi sinh sản và thương phẩm gia đình ông thu nhập khoảng 70 triệu đồng.
Qua mô hình nuôi dúi của ông Trần Thế Văn ở thôn 3 xã CưSuê, có thể thấy dúi là vật nuôi rất tiềm năng về giá trị, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của nhiều hộ gia đình. Nuôi dúi đơn giản, chi phí đầu tư thấp, nguồn thức ăn rẻ, xoay vòng vốn nhanh, ít rủi ro là những lợi thế mang lại cho người chăn nuôi khi quyết định đến với loại vật nuôi còn khá mới này./.
Công Phong - Đài TT CưM'gar.