Hiệu quả từ mô hình tổ tiết kiệm xoay vòng vốn do Hội LHPN xã Ea Kuếh phát động thực hiện
Nhờ vào sự hỗ trợ của mô hình tổ tiết kiệm xoay vòng vốn do Hội Phụ nữ phát động thực hiện, thời gian qua nhiều chị em ở xã Ea Kuếh đã có thêm điều kiện để duy trì và phát triển kinh tế, ổn định thu nhập, cùng nhau giảm nghèo bền vững.
Chị Đặng Thị Thúy Sơn ( bên phải) đang chăm sóc đàn dê
Tại thôn Thác Đá (xã Ea Kuếh) Chi hội Phụ nữ thôn đã xây dựng và duy trì khá hiệu quả mô hình tổ tiết kiệm xoay vòng vốn. Đến nay Chi Hội đã vận động hội viên, phụ nữ tham gia đóng góp xây dựng mô hình tổ tiết kiệm xoay vòng vốn được số tiền trên 450 triệu đồng. Chị Bùi Thị Thủy ở thôn Thác Đá cho biết: Trước đây gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, muốn phát triển chăn nuôi nhưng không có vốn để đầu tư. Khi tham gia mô hình tổ phụ nữ tiết kiệm xoay vòng vốn, chị đã được chi Hội cho vay 50 triệu đồng từ mô hình để phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn này, chị đã đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 06 con dê giống Boer về nuôi. Với sự tư vấn, hỗ trợ kiến thức chăn nuôi của Hội Phụ nữ, việc chăn nuôi của gia đình chị gặp nhiều thuận lợi, đàn dê phát triển nhanh, không xảy dịch bệnh. Hiện nay đàn dê của gia đình ổn định ở mức 23 con, trong đó có 14 con dê mẹ. Chị Bùi Thị Thủy ở thôn Thác Đá (xã Ea Kuếh) nói: Xuất phát từ quỹ Chi hội của phụ nữ giúp đỡ, gia đình mình đã làm chuồng trại và mua được 06 con dê mẹ về chăn nuôi. Ban đầu chưa có kinh nghiệm, dê cũng hay bị bệnh vặt như chướng hơi, lở mồm long móng, nên mình nghiên cứu, học hỏi chăn nuôi từ những người đi trước để phòng bệnh cho đàn dê. Chăn nuôi dê tương đối nhàn, hằng ngày dành ra 01 tiếng để đi lấy lá, cắt cỏ cho dê, bên cạnh đó thêm một ít cám bắp trộn vào cỏ cho dê ăn để nhanh lớn…
Cũng như chị Thủy, cách đây 01 năm chị Đặng Thị Thúy Sơn ở thôn Thác Đá (xã Ea Kuếh) cũng được vay 50 triệu đồng từ mô hình tổ tiết kiệm xoay vòng vốn của Chi hội để đầu tư chăn nuôi dê. Chị Sơn tâm sự: Gia đình có 01 ha cà phê trồng xen hồ tiêu và mới đây tiếp tục trồng xem thêm cây sầu riêng. Trên diện tích này hằng năm gia đình chị thu được 03 tấn cà phê và 1,5 tấn hồ tiêu. Tuy nhiên do giá cả các mặt hàng nông sản có nhiều biến động, chi phí đầu tư cho vườn cây cao nên hiệu quả kinh tế thấp. Được Chi hội Phụ nữ của thôn tạo điều kiện, tháng 07 năm 2021 gia đình chị Sơn được hỗ trợ cho vay vốn từ mô hình tổ tiết kiệm xoay vòng để chăn nuôi dê. Với sự cần cù, chăm chỉ trong chăm sóc và phòng bệnh cho đàn dê, hiện nay đàn dê gia đình chị Sơn đã phát triển thành 20 con, trong đó có 06 con dê giống. Vừa qua chị đã bán 06 con dê thương phẩm lứa đầu tiên và đã thu về số tiền 18 triệu đồng để trang trải kinh tế gia đình.
Trao đổi thêm với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Kuếh cho biết: Hiện nay Hội LHPN xã có 1.029 hội viên tham gia sinh hoạt ở 11 Chi hội thôn buôn, trong đó hội viên là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 65%. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, thời gian qua cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã đã tích cực tham gia mô hình tổ phụ nữ tiết kiệm xoay vòng vốn để hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình và mô hình chính thức đi vào hoạt động từ năm 2013. Hiện nay địa bàn toàn xã đã phát triển được 05 tổ phụ nữ tiết kiệm xoay vòng vốn tại 05 Chi hội thôn, buôn với tổng số vốn đạt hàng trăm triệu đồng. Định kỳ hằng tháng hoặc quý, các thành viên trong tổ sẽ tổ chức sinh hoạt một lần nhằm đánh giá, nắm bắt tình hình lao động, sản xuất, đời sống của các thành viên, đồng thời góp vốn để hỗ trợ, giúp nhau vay để duy trì, đầu tư phát triển kinh tế. Mức đóng góp của từng Chi hội cũng tùy vào hoàn cảnh của từng thành viên, giao động từ vài trăm nghìn đồng đến 01 triệu đồng/năm. Với ý nghĩa nhân văn trong việc hỗ trợ, giúp nhau xóa đói giảm nghèo bền vững, hiện nay Hội LHPN xã tiếp tục tuyên truyền, vận động chị em ở các Chi hội còn lại mạnh dạn xây dựng mô hình tổ phụ nữ tiết kiệm xoay vòng vốn, nhất là các Chi hội đồng bào dân tộc thiểu số. Chị Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Kuếh cho biết thêm: Thời gian qua, Hội Phụ nữ xã đã định hướng cho các Chi hội thôn, buôn gây dựng và duy trì các nguồn vốn xoay vòng để hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế. Hiện đã có 05/11 Chi hội xây dựng được nguồn quỹ góp vốn xoay vòng, Chi hội hoạt động hiệu quả nhất hiện nay là Chi hội thôn Thác Đá. Nguồn quỹ này rất hiệu quả, đã trực tiếp hỗ trợ cho chị em trong sản xuất, đầu tư vào nuôi dê, nuôi bò, nuôi heo, cải tạo vườn cà phê, cải thiện kinh tế cho gia đình để xóa đói giảm nghèo bền vững…
Thông qua mô hình tổ phụ nữ tiết kiệm xoay vòng vốn đã tô thắm truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, phát huy nội lực của hội viên phụ nữ, hình thành thói quen tiết kiệm để hỗ trợ, giúp nhau vươn lên ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Đồng thời mô hình này còn góp phần hạn chế tình trạng "tín dụng đen" trong hội viên phụ nữ trên địa bàn./.
H'Xiu Êban