Hiệu quả từ việc chăn nuôi lợn trên đệm lót sinh học
Nhằm giúp bà con nông dân trên địa bàn huyện ứng dụng rộng rãi KHKT trong chăn nuôi, cũng như xử lý triệt để vấn đề về môi trường - thời gian qua, Trạm Khuyến nông huyện Cư M'gar đã xây dựng thí điểm 05 mô hình chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học ở xã Ea M'nang, Cư Suê, Cư M'gar, Ea Tul và xã Ea MDroh. Kết quả bước đầu cho thấy, ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn rất phù hợp với phương thức chăn nuôi lợn tại địa phương, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng nông thôn trong sạch, đồng thời, tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân ở nông thôn.
Các hộ dân tham gia mô hình trình diễn trên diện tích 20m2/hộ, chuồng trại được sát trùng, tiến hành làm đệm lót bằng trấu và mùn cưa cùng chế phẩm sinh học Balasa-N01. Sau 08 tháng triển khai thực hiện, so sánh giữa chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học và nuôi lợn trên nền xi măng (đối chứng), theo dõi mùi hôi, tỷ lệ mắc bệnh, khả năng tăng trọng, chi phí và lợi nhuận, kết quả cho thấy: Lợn nuôi trên nền đệm lót sinh học ít bị mắc bệnh và ít bị tái phát bệnh hơn so với lợn nuôi trên nền xi măng. Ưu điểm chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học đã tạo một môi trường khí hậu tốt, trong sạch, không bị ô nhiễm. Khả năng tăng trọng của đàn lợn nuôi trên nền đệm lót tăng 1,3 đến 1,4 kg/con trong một lứa nuôi so với đối chứng, giảm chi phí thuốc thú y từ 15 đến 17 nghìn đồng/con trong một lứa nuôi. Trong suốt quá trình nuôi, người chăn nuôi không phải dọn chuồng, giảm 80% công lao động. Chuồng trại chăn nuôi không còn mùi hôi thối, không có chất thải thải ra, vì vậy không gây ô nhiễm môi trường xung quanh, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người chăn nuôi và vật nuôi sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh. Ông Từ Minh Trí ở thôn 2A xã Ea M'nang là một trong những hộ tham gia thực hiện mô hình chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học. Trước đây, gia đình ông Trí chăn nuôi với quy mô gần 50 con lợn thịt, việc dọn dẹp, chăm sóc đàn lợn tốn rất nhiều thời gian. Mặc dù gia đình đã đầu tư xây dựng hầm Biogas nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, nhưng do lượng chất thải lớn, cộng với gia đình không có nhiều thời gian dọn dẹp chuồng nuôi, nên môi trường xung quanh vẫn có mùi hôi thối, ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người trong gia đình. Ông Trí chia sẻ: "Từ khi tham gia mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn tôi thấy rất hiệu quả. Vừa tiết kiệm được thời gian chăn nuôi lại giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Mặc dù không phải tắm rửa nhưng đàn lợn vẫn phát triển khỏe mạnh, da bóng hồng, đặc biệt là không còn ruồi nhặng và hiện tượng ghẻ trên đàn lợn".
Ông Tô Văn Vũ ở buôn Sah A xã Ea Tul, người tham gia mô hình cho biết: trong quá trình tham gia mô hình chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học thì heo giảm được rất nhiều bệnh so với chăn nuôi trên nên xi măng thông thường. Ông Vũ chia sẻ kinh nghiệm: chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học chuồng phải làm mái cao, vì trong quá trình chăn nuôi, đệm sinh học phát ra nhiệt. Bên cạnh đó phải biết cách điều khiển nhiệt độ trong chuồng nuôi phù hợp để lợn sinh trưởng tốt.
Ông Phạm Quang Mười - Trưởng Phòng Nông nghiệp-phát triển nông thôn huyện cho biết: Ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện thời gian qua chưa phát triển đúng tầm, hiện tại chăn nuôi chỉ chiếm 11% trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện. Theo định hướng phát triển nông nghiệp bền vững của huyện, trong thời gian tới, chăn nuôi sẽ chiếm tỷ lệ từ 15 đến 20% và chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học là một hướng đi đúng để thúc đẩy ngành chăn nuôi huyện Cư M'gar phát triển.
Mô hình chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học đã và đang đạt hiệu quả cao về kinh tế, xã hội cũng như đảm bào về vấn đề môi trường. Mặt khác, kỹ thuật chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh thái khá đơn giản, nên người chăn nuôi dễ dàng áp dụng. Trong thời gian tới các cơ quan chuyên môn huyện Cư M'gar sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình đối với các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, vừa và chăn nuôi trang trại trên địa bàn huyện, góp phần xây dựng môi trường trong sạch và nâng cao hiệu quả chăn nuôi cho người dân ở khu vực nông thôn./.
Công Phong