Học nghề - lựa chọn của nhiều lao động ở huyện Cư M'gar
Nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xóa đói giảm nghèo bền vững - trong những năm gần đây nhiều lao động nông thôn ở huyện Cư M'gar đã chủ động tham gia học các lớp sơ cấp nghề do huyện tổ chức. Từ sự lựa chọn này đã tạo cơ hội và giúp cho nhiều lao động nông thôn có thêm việc làm, tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Các học viên trong buổi thực hành nghề dệt thổ cẩm tại xã Ea Hđing
Tháng 08/2018 ở xã Ea Tul có 11 hội viên phụ nữ tham gia lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm do địa phương tổ chức. Lớp nghề còn được Hội LHPN huyện tạo điều kiện cho vay 35 triệu đồng từ nguồn quỹ "khởi nghiệp" để mua nguyên vật liệu, từ đó các thành viên đã mạnh dạn thành lập tổ hợp tác liên kết sản phẩm thổ cẩm, với các sản phẩm thêu, dệt truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê. Dù mới được thành lập và đi đưa vào hoạt động chưa lâu, nhưng tổ hợp tác đã mang lại hiệu quả rõ rệt, số lượng sản phẩm ngày càng tăng và được khách hàng nhiều nơi đến mua và đặt hàng. Từ khi thành lập đến nay tổ hợp tác liên kết sản phẩm thổ cẩm xã Ea Tul đã xuất bán ra thị trường hàng trăm sản phẩm các loại, sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi thành viên cũng có thêm thu nhập hàng tháng từ 03 đến 04 triệu đồng, đặc biệt có thành viên thu nhập gần 08 triệu đồng/tháng...
Cũng từ tham gia lớp sơ cấp nghề xây dựng dân dụng đến nay anh Y Phô Niê ở buôn Triă xã Ea Tul có được công việc ổn định với thu nhập khá từ việc nhận thầu xây dựng các công trình dân sinh, nhà ở. Nhờ thi công có tinh thần trách nhiệm và đảm bảo chất lượng, giá cả phải chăng nên đội xây dựng của anh Y Phô Niê ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng, không chỉ trong buôn, trong xã mà còn ở những địa phương khác trong huyện. Bình quân mỗi năm đội xây dựng do anh Y Phô Niê nhận thi công từ 07 đến 08 công trình nhà ở, thu nhập của các thành viên trong đội hàng tháng đạt từ 06 đến 07 triệu đồng…
Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là giải pháp quan trọng trong giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững - trong những năm qua huyện Cư M'gar đã đặc biệt quan tâm chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Chính phủ, trong đó ưu tiên cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, lao động nữ, lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số... Tùy theo nhu cầu, đối tượng người học ở địa phương, huyện Cư M'gar sẽ đã tổ chức các đào tạo sơ cấp nghề phù hợp ở tận cơ sở. Trong đó thanh niên thì tham gia học các nghề sửa chữa xe gắn máy, máy nông nghiệp, xây dựng dân dụng, điện dân dụng, còn lao động nữ thì học nghề dệt thổ cẩm, kỹ thuật nấu ăn, may công nghiệp... Bên cạnh đó huyện Cư M'gar còn chủ động phối hợp tổ chức mở các lớp đào tạo nghề trồng và chăm sóc cây cà phê, hồ tiêu, cao su, trồng và khai thác nấm, chăn nuôi… Kết quả từ năm 2010 đến nay huyện Cư M'gar đã phối hợp tổ chức được 59 lớp đào tạo sơ cấp nghề cho lao động nông thôn với 1.947 học viên tham gia, trong đó học viên là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 77,5%. Đặc biệt hầu hết các lớp đều được tổ chức dạy tại trung tâm học tập cộng đồng hoặc nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở các xã-thị trấn, vì vậy đã tạo điều kiện thuận lợi cho học viên tham gia học nghề.
Qua đánh giá cho thấy – hầu hết học viên tham gia các lớp sơ cấp nghề do huyện tổ chức đều đã có việc làm ổn định, trong đó có 44,3% học viên tự tạo việc làm, 56,1% số học viên làm nghề cũ nhưng năng suất lao động cao hơn… Đặc biệt là đối với các lớp nghề nông nghiệp, sau khi học xong học viên đã biết áp dụng các tiến bộ KHKT-công nghệ vào trong sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, nâng cao năng suất và hiệu quả sản suất, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững ./.
-S.Pa-