Hội LHPN huyện Cư M'gar trong nỗ lực vận động nhân dân di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa khu vực nhà ở
Nhằm góp phần cùng chính quyền địa phương nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới-đô thị văn minh - thời gian qua, Hội LHPN huyện Cư M'gar đã đẩy mạnh công tác vận động, thuyết phục các hộ gia đình hội viên và quần chúng nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số di dời chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ra xa khu vực nhà ở. Hoạt động này không những làm thay đổi tích cực môi trường sống, phát triển chăn nuôi bền vững, góp phần nâng cao thu nhập mà còn giúp nhân dân phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả.
Chuồng nuôi đã được nhiều hộ dân di dời ra xa nơi ở
Nhờ được tuyên truyền, vận động của tổ chức Hội, chị H'Hương Êban ở buôn Pốk A (thị trấn Ea Pốk) là một trong những hộ gia đình tiên phong ở địa phương tiến hành di rời chuồng nuôi heo và dê của gia đình ra xa khu vực nhà ở. Với việc chăn nuôi đúng KHKT, hợp vệ sinh, không những giúp cho đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, mau lớn, mà các thành viên trong gia đình chị H'Hương cũng cảm thấy thỏa mái, giảm một số bệnh thường mắc phải như: Hô hấp, tiêu chảy, sốt rét…do môi trường bị ô nhiễm. Việc làm ý nghĩa của gia đình chị H'Hương đã và đang được nhiều bà con trong buôn học tập, làm theo.
Tương tự, sau nhiều lần được chính quyền địa phương và cán bộ phụ nữ xã tuyên truyền, thuyết phục, chị H'Băn Ayun ở buôn B'ling (xã Cư M'gar) cũng đã chủ động di rời chuồng nuôi dê ra xa khu vực nhà ở của gia đình. Chị H'Băn chia sẻ: Gia đình có nuôi 06 con dê, trước đây chuồng nuôi gần nhà nên rất mất vệ sinh, sinh ra nhiều muỗi. Từ lúc di chuyển chuồng nuôi ra xa khu vực nhà ở, nhà cửa thoáng mát hơn, mọi người trong gia đình đều thấy dễ chịu, con cái cũng ít bị ốm đau. Nếu sớm biết lợi ích của việc làm này thì gia đình đã di chuyển chuồng nuôi gia súc ra xa nhà ở từ lâu rồi…
Thực tế cho thấy – việc làm chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm gần khu vực nhà ở, thậm chí chăn nuôi ngay dưới sàn nhà từng là thói quen đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của nhân dân, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng chính là nguyên nhân trực tiếp phát sinh và làm gia tăng các bệnh truyền nhiễm về đường ruột, bệnh đau mắt đỏ, bệnh viêm đường hô hấp… Để thay đổi thực trạng này, hằng năm tổ chức Hội Phụ nữ trong huyện đã chủ động tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động bằng nhiều hình thức, giúp các hộ gia đình, nhất là hội viên phụ nữ dần thay đổi thói quen chăn nuôi theo hướng tích cực. Đồng thời phối hợp huy động ngày công lao động hỗ trợ các gia đình có thêm điều kiện thực hiện việc di dời chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm ra xa khu vực nhà ở. Kết quả từ năm 2016 đến nay, Hội LHPN và các cơ sở Hội đã tổ chức vận động được 136 hộ gia đình là người đồng bào dân tộc thiểu số tự giác thực hiện di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa khu vực nhà ở để đảm bảo vệ sinh môi trường, chủ động phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt nhiều hộ gia đình có điều kiện sau khi di rời chuồng trại chăn nuôi còn đầu tư xây dựng thêm hầm khí sinh học Bioga để xử lý chất thải trong chăn nuôi và có thêm chất đốt để tiết kiệm chi phí trong sinh hoạt...
Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và tổ chức Hội Phụ nữ từ huyện đến cơ sở trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa khu vực nhà ở bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Hoạt động này đã góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, đồng thời hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới-đô thị văn minh trên địa bàn ./.
-S.Pa-