Hội LHPN xã Cư Suê đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động xây dựng gia đình “05 không 03 sạch”
Nhờ cụ thể hóa các tiêu chí trong cuộc vận động xây dựng gia đình "05 không 03 sạch" bằng các mô hình, việc làm thiết thực để phát triển kinh tế - nên đến nay, trên địa bàn xã Cư Suê xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình chăn nuôi, trồng trọt do hội viên phụ nữ thực hiện theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Bà Hoàng Thị Hằng, CT Hội LHPN xã Cư Suê ( bên trái) thăm mô hình trồng rau sạch của chị Hồ Thị Liên tại thôn 1
Đến thăm mô hình trồng rau sạch của gia đình chị Hồ Thị Liên ở thôn 1 xã Cư Suê chúng tôi được chị Liên cho biết: Gia đình chị đã có truyền thống trồng rau xanh khoảng 10 năm nay với diện tích khoảng 01 sào đất với nhiều loại rau khác nhau như: Xà lách, rau cải các loại, đậu cô ve, đậu bắp. Với gia đình chị Liên, trồng rau xanh chủ yếu phục vụ cho gia đình, cung cấp cho các hộ khác trong thôn và đáp ứng nhu cầu cho một số tiểu thương buôn bán tại khu vực chợ thị trấn Quảng Phú, vì vậy gia đình chị rất chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khi được sự tuyên truyền, vận động của Hội LHPN xã Cư Suê về đăng ký thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình "05 không 03 sạch", gia đình chị Liên đã đăng ký thực hiện bằng mô hình trồng rau sạch và được Hội LHPN xã Cư Suê hỗ trợ 02 triệu đồng từ nguồn quỹ của Hội để thực hiện mô hình. Chị Liên tâm sự: Trồng rau sạch đòi hỏi người trồng phải có tâm, không vì lợi nhuận mà sản xuất ra những sản phẩm không an toàn, ảnh hưởng tới sức khỏe của gia đình, bản thân và người tiêu dùng, đồng thời còn gây ô nhiễm môi trường sống. Gia đình chị trồng rau không sử dụng bất kỳ một loại thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc kích thích nào, mà chỉ sử dụng phân chuồng với vỏ cà phê đã ủ hoai mục để bón cho rau. Do đó trước khi gieo trồng, gia đình phải chuẩn bị thật kỹ các khâu xử lý và vệ sinh đất, có như vậy rau sẽ không bị sâu bệnh tấn công mà rau vẫn xanh tươi, đảm bảo chất lượng.
Mô hình Nuôi dê sạch của chị Hồ Thị Oanh ( bên trái) tại thôn 1
Gia đình chị Hồ Thị Oanh cũng ở thôn 1 xã Cư Suê thì áp dụng mô hình chăn nuôi dê sạch để phát triển kinh tế. Chị Oanh tâm sự: Tháng 08/2017, chị được nguồn quỹ "Khởi nghiệp" của Hội LHPN huyện cho vay 10 triệu đồng và chị đã mua 02 con dê cái về để chăn nuôi. Với sự tuyên truyền, vận động, hướng dẫn của Hội LHPN xã Cư Suê trong việc xây dựng mô hình chăn nuôi sạch, bền vững theo tiêu chí cuộc vận động xây dựng gia đình "05 không 3 sạch", nên chị Oanh đã tận dụng các loại cỏ, lá cây để cho dê ăn. Khoảng 03 ngày thì bổ sung thêm cho dê ít hạt ngô lai, đặc biệt không sử dụng bất cứ một loại thuốc kích thích hay tăng trưởng nào để tiêm cho dê. Chuồng trại chăn nuôi được gia đình chị che chắn cẩn thận tránh gió lạnh cho dê và thường xuyên quét dọn sạch sẽ. Nhờ cách làm này nên đàn dê của chị phát triển rất tốt, không bị bệnh và đến nay đã sinh sản thêm 03 con dê con.
Bà Hoàng Thị Hằng - Chủ tịch Hội LHPN xã Cư Suê cho biết: Trong năm 2017, Hội LHPN xã Cư Suê đã tích cực triển khai cho cán bộ, hội viên phụ nữ về các tiêu chí của cuộc vận động xây dựng gia đình "05 không 03 sạch". Trong đó chú trọng các tiêu chí về bảo vệ môi trường trong việc xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt sạch, thân thiện với môi trường và cải thiện thêm nguồn thu nhập cho hội viên. Đồng thời Hội đã triển khai cho cán bộ-hội viên phụ nữ ở 11 Chi hội tham gia đăng ký đảm nhiệm thực hiện một phần việc, nhiệm vụ cụ thể, sát với tình hình thực tế của từng gia đình hội viên. Do thấy được hiệu quả của cuộc vận động gắn liền với đời sống thực tế của mình, nên hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Cư Suê đã tích cực đăng ký tham gia thực hiện bằng nhiều mô hình cụ thể, thiết thực.
Ngoài việc tuyên truyền vận động cán bộ-hội viên triển khai thực hiện các mô hình sản xuất sạch - Hội LHPN xã Cư Suê còn gắn các hoạt động của tổ chức Hội với phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Trong năm 2017, cán bộ-hội viên phụ nữ ở các thôn-buôn trên địa bàn xã Cư Suê đã tham gia đóng góp trên 83 triệu đồng xây dựng được 05 đoạn đường "thắp sáng đường quê" với chiều dài 02 km; xây dựng được 02 đoạn đường hoa; vận động được trên 70 hộ gia đình hội viên tự đào hố xử lý rác thải trong vườn nhà; duy trì các hoạt động dọn dẹp vệ sinh tại 11 tuyến đường phụ nữ tự quản… Các hoạt động này không những góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn trong cán bộ-hội viên phụ nữ, mà còn hình thành ý thức bảo vệ môi trường sống và những hành động tích cực chung tay góp sức của cộng đồng để xây dựng khu vực nông thôn ngày càng phát triển ổn định và bền vững./.
H Xiu