Thứ sáu, ngày 21 tháng 02 năm 2025
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Trong tháng:

Tất cả:

Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
Cập nhật lúc: 04/08/2016

Hội Nông dân EaKpam đẩy mạnh chuyển giao KHKT cho hội viên

Những năm gần đây, Hội Nông dân xã EaKpam đã triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua, đặc biệt Hội luôn chú trọng công tác chuyển giao giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, nhiều hội viên đã năng động trong cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Nhằm góp phần nâng cao trình độ sản xuất cho hội viên, hàng tháng, hàng quý, Hội Nông dân xã EaKpam đã thông báo rộng rãi về kế hoạch tập huấn, dạy nghề để nông dân đăng ký học theo nhu cầu. Năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, hội Nông dân xã phối hợp tổ chức được 26 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho hội viên nông dân, bình quân mỗi lớp thu hút hơn 50 học viên tham gia. Hiệu quả của những lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho nông dân thể hiện rất rõ trong quá trình sản xuất của hội viên, từng bước tăng năng suất, thu nhập và giảm chi phí sản xuất.

Trao đổi với chị Nguyễn Thị Minh ở thôn 3 xã EaKpam, chúng tôi được biết: Gia đình chị trước đây là một trong những hộ nghèo của xã, nhưng được sự hỗ trợ, giúp đỡ của hội Nông dân xã, gia đình chị đã xây dựng được mô hình sản xuất có hiệu quả và đã vươn lên thành hộ có kinh tế khá. Được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chị Minh và nhiều hội viên nông dân khác đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất và bảo đảm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Gia đình chị Minh có 4 sào cà phê, thông qua các lớp tập huấn của hội Nông dân xã, chị nhận thấy nhiều người trồng bơ bút trái vụ cho năng suất cao, gia đình chị đã đưa 40 cây bơ bút trồng xen trong vườn cà phê. Vào thời điểm hiện nay, bơ bút của gia đình chị đã vào thời kỳ kinh doanh. Theo chị Minh, bình quân gia đình chị thu từ 4 - 5 triệu đồng/cây bơ bút trái vụ. Gia đình chị còn nuôi heo bản địa để tăng thêm thu nhập, bình quân một năm trừ chi phí gia đình anh chị thu nhập gần 300 triệu đồng.

Gia đình anh Nguyễn Thạc Cảnh lại chọn hướng phát triển kinh tế bằng cây sầu riêng dòng Mongthon. Gia đình anh có 1,2 ha cà phê đã hết chu kì kinh doanh, năng suất thấp. Đang phân vân không biết nên thay thế bằng cây gì thì anh được tham gia lớp tập huấn của Hội Nông dân xã, và gia đình anh đã chọn trồng 200 cây sầu riêng. Nhờ chăm sóc tốt nên sống được 190 cây. Đến nay cây sầu riêng đã vào thời kỳ kinh doanh, vừa qua gia đình anh bán tại vườn 12 tấn, với giá 45 ngàn đồng/kg, trừ chi phí gia đình anh thu hơn 500 triệu đồng. Theo anh Cảnh, trồng sầu riêng phải đòi hỏi kỹ thuật tốt, khi phát hiện sầu riêng bị vàng lá, khô lá phải biết cách sử dụng loại thuốc nào cho phù hợp. Nếu sầu riêng nở hoa vào ban ngày thì để cây thụ phấn tự nhiên. Tuy nhiên có những cây sầu riêng nở hoa vào ban đêm thì người trồng phải tự thụ phấn cho hoa sầu riêng. Mỗi cây sầu riêng chỉ nên để từ 25 - 40 quả.

Để giúp hội viên nông dân nâng cao kiến thức về khoa học kỹ thuật cũng như có vốn để sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, thời gian qua hội Nông dân xã EaKpam đã phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. Hội còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thường xuyên nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi, tổ hội nông dân ở cơ sở; củng cố, phát triển các câu lạc bộ, nêu gương các điển hình tiên tiến nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi để khuyến khích, thu hút hội viên, nông dân tích cực tham gia ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ phù hợp vào phát triển kinh tế hộ gia đình, trang trại, tổ hợp tác kinh tế... Tăng cường tổ chức các hình thức hoạt động và phổ biến các kiến thức khoa học, đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hội Nông dân xã còn tổ chức cho cán bộ, hội viên nông dân đi tham quan học tập kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế trong và ngoài tỉnh.

Từ đó nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Điển hình như việc chuyển đổi chân ruộng bấp bênh về nước sang nuôi trồng thủy sản; chuyển đổi diện tích đất sang trồng hoa; triển khai mô hình trồng bơ xen cà phê, sầu riêng xen bơ, nuôi gà siêu trứng... Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao./.

                                                        Công Phong 

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang