Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Công Bằng Ea Kiết giúp các thành viên cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống
Sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật Hợp tác xã, nhiều mô hình hợp tác xã nông nghiệp ở huyện Čư M'gar phát huy hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Những hợp tác xã kiểu mới được thành lập hoặc chuyển đổi không chỉ năng động, mà còn thể hiện tốt vai trò là “bà đỡ” cho các thành viên, hướng đến một nền nông nghiệp “sạch” bền vững, thân thiện với môi trường. Trong đó Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Công Bằng Ea Kiết là một ví dụ điển hình.
Kiểm tra sản xuất cà phê chứng nhận FLO tại HTX Công Bằng Ea Kiết
Gia đình chị Đỗ Thị Sinh ở thôn 2 (xã Ea Kiết) cho biết: Gia đình có 02 ha cà phê và tham gia vào Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Công Bằng Ea Kiết từ năm 2012 đến nay. Khi tham gia vào hợp tác xã, các thành viên được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái cà phê. Điều quan trọng trong quy trình sản xuất cà phê để có chứng nhận FLO (chứng nhận thương mại công bằng), người trồng phải tuyệt đối tuân thủ các quy định từ việc làm cỏ, tưới nước, tỉa cành, bón phân, cho đến quá trình thu hái, tất cả đều được ghi chép đầy đủ vào sổ nông hộ và đúng kỹ thuật. Đặc biệt người trồng cà phê không được lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, chăm sóc vườn cà phê theo hướng hữu cơ. Sau một thời gian sản xuất cà phê theo hướng bền vững, vườn cây của gia đình chị Sinh có thời gian đối chứng, so sánh và nhận thấy tốc độ già hóa của vườn cây chậm hơn nhiều so với trước, năng suất cà phê đạt cao hơn từ 20 đến 30%, cùng vơi đó là giá cả ổn định và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Văn Phúc - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Công Bằng Ea Kiết cho biết: Năm 2011 Hợp tác xã được thành lập trên cơ sở một tổ liên kết sản xuất cà phê bền vững hoạt động từ năm 2008. Khi mới thành lập, Hợp tác xã có 48 hộ thành viên tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững với diện tích hơn 91 ha, sản lượng khoảng 360 tấn/năm. Đến nay Hợp tác xã có tổng cộng 97 thành viên tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững FLO với diện tích 183,3 ha, sản lượng hằng năm trên 5.000 tấn (bao gồm cà phê chứng nhận, cà phê phân loại, cà phê bột). Các thành viên Hợp tác xã trồng cà phê theo tiêu chuẩn FLO khi bán ra, người mua trích lại cho người sản xuất hơn 440 USD/tấn. Quỹ này sẽ được trích 30% cho quỹ đầu tư phát triển của Hợp tác xã; 30% cho quản lý và bộ máy hoạt động của Hợp tác xã; 30% để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phục vụ xã hội tại địa phương và 10% xây dựng quỹ dự phòng. Từ nguồn quỹ này, hằng năm Hợp tác xã tổ chức đầu tư sản xuất, phát triển các nguồn lực hỗ trợ địa phương và chăm sóc cho người lao động. Cùng với đó người trồng cà phê có chứng nhận FLO luôn có giá bán ổn định. Đối với Hợp tác xã thu mua cho các thành viên sau khi trừ chế biến thường cao hơn từ 4 đến 7.000đ/kg so với giá thị trường. Nếu giá cà phê thị trường tăng cao ở mức từ 47.000đ/kg trở lên, Hợp tác xã sẽ bảo hiểm cho thành viên cao hơn 1.500đ/kg so với giá thị trường.
Nhờ tham gia Hợp tác xã, các thành viên được tập huấn những quy trình sản xuất cà phê theo hướng bền vững nên đã góp phần tăng thu nhập. Năm 2011 bình quân thu nhập của các thành viên đạt từ 25 đến 30 triệu đồng/ha, thì đến nay đã tăng hơn 50 triệu đồng/ha/năm. Bên cạch đó Hợp tác xã còn xây dựng nguồn quỹ để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phục vụ xã hội ở địa phương như: Đầu tư dây chuyền chế biến ướt trị giá hơn 05 tỷ đồng; hỗ trợ chính quyền xã Ea Kiết hơn 03 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng; tạo việc làm cho 20 lao động tại địa phương…
Từ những ưu việt trong trang bị kỹ thuật, công nghệ, chuyển giao KHKT của Hợp tác xã đã góp phần nâng cao nhận thức sản xuất và chế biến cà phê theo hướng thân thiện với môi trường để phát triển bền vững. Cùng với đó là bảo đảm cơ chế về giá, vì vậy đã tạo sức hút đối với các thành viên Hợp tác xã, giúp họ yên tâm lao động sản xuất, gắn bó lâu dài với Hợp tác xã, góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững./.