Thứ bảy, ngày 22 tháng 02 năm 2025
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Trong tháng:

Tất cả:

Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
Cập nhật lúc: 31/03/2018

Hướng đi mới từ mô hình trồng quýt đường của anh Nông Văn Tập ở thôn 5 - xã Cư M'gar

Trong thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ KHKT-công nghệ, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Mô hình trồng cây quýt đường của anh Nông Văn Tập ở thôn 5 - xã Cư M'ar là một hướng đi tương đối mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế ở địa phương.

Gia đình anh Nông Văn Tập ở thôn 5 - xã Cư M'ar có 1,7 ha đất trước đây được trồng cà phê xen hồ tiêu. Tuy nhiên do cà phê đã già cỗi (trồng từ những năm 1992) hết chu kỳ kinh doanh, năng suất không ổn định. Còn cây hồ tiêu được anh Tập trồng xen trong cà phê từ 05, 06 năm nay, kỹ thuật chăm sóc phức tạp, cây hồ tiêu lại mắc bệnh chết nhanh chết chậm. Thời gian gần đây, giá cả thị trường thường xuyên biến động, chi phí đầu tư sản xuất càng ngày càng cao, nên việc trồng cà phê và hồ tiêu không còn mang lại hiệu quả kinh tế như những năm trước. Vì vậy anh Tập muốn tìm cho mình một loại cây trồng mới để thay thế cho cây cà phê và hồ tiêu để cải thiện thu nhập cho gia đình. Vì vậy năm 2013, anh Tập bắt đầu đưa vào trồng thử nghiệm 03 cây quýt đường. Sau 05 năm trồng và chăm sóc, 03 cây quýt đường trồng thử nghiệm của anh Tập đã mang hiệu quả kinh tế thiết thực. Sản phẩm quýt đường có giá cả ổn định, được các thương lái đến tận vườn thu mua, vào các ngày rằm, ngày lễ, giá quýt đường còn cao hơn. Mỗi cây quýt đường của anh Tập mỗi năm cho thu khoảng 02 triệu đồng, lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng cà phê và hồ tiêu hay chăn nuôi.

Anh Nông Văn Tập tích cực chăm sóc vườn quýt đường

Anh Nông Văn Tập ở thôn 5 - xã Cư M'gar nói: Lúc đầu không dám trồng nhiều, trồng mấy cây để ăn xem có ngon, ngọt không mới dám trồng đại trà, trồng được 01 năm bắt đầu cho thu hoạch. Trồng 03 cây thử nghiệm cho thấy lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng cà phê hay chăn nuôi và chi phí đầu tư rất thấp. Cây quýt đường cho thu hoạch 02 lần/năm, bình quân mỗi cây tầm 80 kg đến 100 kg với giá bán 20.000đ/kg cắt tại vườn. Nếu mình canh đúng vào thời điểm rằm, lễ, tết thì giá còn cao hơn, giao động từ 30 đến 40.000đ /kg.

Anh Nông Văn Tập ở thôn 5 - xã Cư M'gar cho biết thêm: Trồng quýt đường kỹ thuật đơn giản hơn nhiều so với cây cà phê và hồ tiêu mà nhưng thu hoạch quả quanh năm, chi phí đầu tư thấp. Khoảng cách trồng giữa các cây cách nhau từ 3,5 đến 04 mét, vì tán cây quýt to hơn nhiều so với cây cà phê. Với khoảng cách này mới đảm bảo được sự thông thoáng, hấp thu ánh sáng để cây quýt đường ra hoa, đậu quả. Trồng quýt đường khoảng 06 tháng thì cây cho quả, nhưng do cây mới trồng còn yếu phải cắt bỏ toàn bộ quả non để cây quýt không bị mất sức, nếu không cắt bỏ có thể dẫn đến cây kiệt sức và bị chết. Thời gian lý tưởng để thu hoạch quả từ 01 năm trở lên. Cây quýt đường thường mắc các bệnh như: Nấm hồng, gỉ sắt, rầy xanh, rầy nâu, nhện đỏ, sâu vẽ bùa và bị các loại côn trùng chích hút quả, làm mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến giá cả. Vì vậy cứ đầu tháng kết hợp giữa sử dụng các chế phẩm sinh học với thuốc bảo vệ thực vật (dùng theo liều lượng) và bón thêm các loại phân cho cây quýt. Cách chăm sóc này vừa đảm bảo phòng trừ hữu hiệu các loại sâu bệnh gây hại, vừa đảm bảo chất dinh dưỡng cho cây, đặc biệt là vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo thời gian cách ly vì tới cuối tháng mới thu hoạch quả. Anh Nông Văn Tập ở thôn 5 - xã Cư M'gar chia sẽ: Đầu tháng là mình xịt, cuối tháng mình ăn, thu hoạch thoải mái vì thời gian cách ly lâu. Đều đều mỗi tháng bón thêm cho cây ít phân như vi sinh, tốt nhất là phân chuồng kết hợp với Kali, NPK cho nắm vừa phải đối cây nhỏ, còn cây lớn thì nắm to hơn, tưới nước thì mỗi tuần tưới mỗi lần. Phòng cho quả không bị côn trùng chích hút quả thì pha nước muối xịt lên. Cành quá sai quả thì mình phải cắt tỉa bỏ bớt, mỗi cành tầm 04 quả là vừa phải, như vậy vừa đảm bảo dinh dưỡng nuôi quả, nuôi cây, cây không bị mất sức.

Hiệu quả bước đầu từ 03 cây quýt đường trồng thử nghiệm, anh Tập đã mạnh dạn nhổ bỏ 02 sào cà phê già cỗi và khăn gói xuống tận các vườn quýt ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước để tìm hiểu, học hỏi các quy trình, kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc cây quýt đường và chọn mua giống đem về trồng. Đến tháng 10/2017, anh Tập đã trồng thêm được 240 cây quýt đường trong vườn nhà. Với việc chăm sóc đúng kỹ thuật, đến nay các cây quýt đường mới trồng của anh Tập đều đang sinh trưởng và phát triển tốt. Anh Tập cho biết thêm: Hiện nay anh đã nhổ bỏ thêm 02 sào cà phê để chuẩn bị đầu tư trồng tiếp tục 250 cây giống quýt đường. Đồng thời dự tính sau khi thu hoạch cà phê tiếp tục nhổ bỏ thêm 02 sào cà phê để lấy đất trồng cây quýt đường, nâng tổng diện tích trồng cây quýt đường của gia đình lên 06 sào.

Mặc dù mô hình trồng cây quýt đường của anh Nông Văn Tập ở thôn 5 - xã Cư M'gar là mô hình mới, nhưng đã cho thấy sự mạnh dạn của người nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng khi mà các loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu không còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Tuy nhiên để mô hình trồng quýt đường phát triển bền vững trên địa bàn huyện thì rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện nhà trong việc tư vấn, hướng dẫn các quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc cũng như xây dựng các giải pháp đầu ra lâu dài cho sản phẩm. Từ đó góp phần đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất trên địa bàn của huyện./.

H Xiu

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang