Huyện Čư M'gar chủ động đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo mô hình liên kết chuỗi
Thời gian qua, người chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng ở huyện Čư M'gar gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh và tiêu thụ sản phẩm. Để ngành chăn nuôi phát triển ổn định, góp phần nâng cao thu nhập thì việc ứng dụng KHKT và thực hiện liên kết trong chăn nuôi chính là giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn, hạn chế rủi ro và cung cấp cho thị trường sản phẩm chăn nuôi an toàn, chất lượng.
Một trang trại chăn nuôi gà khép kín ở xã Cuôr Đăng
Những năm gần đây, hoạt động liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công đang được nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện lựa chọn. Gia đình bà Nguyễn Thị Trinh ở buôn Kroa C (xã Cuôr Đăng) cho biết: Gia đình có nhiều năm kinh nghiệm trong chăn nuôi, nhất là liên kết chăn nuôi gà gia công. Năm 2019 gia đình đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi theo hướng công nghệ cao với 05 dãy chuồng để chăn nuôi gà gia công với khoảng 2.000 con mỗi lứa. Gia đình bà Trinh cũng đã tìm hiểu và thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ gà thương phẩm với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam. Khi tham gia liên kết chăn nuôi gà theo hình thức gia công, gia đình được doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ bệnh, tiêu thụ gà thành phẩm. Từ liên kết chăn nuôi gà gia công, bình quân mỗi năm doanh thu trang trại gà của bà Trinh đạt hơn 1,5 tỷ đồng.
Hiện nay địa bàn huyện Čư M'gar có 26 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có 14 trang trại chăn nuôi khén kín, có hệ thống làm lạnh điều hòa nhiệt độ, thu nhập bình quân mỗi trang trại hằng năm đạt khoảng 1,3 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2021 tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp ở huyện Čư M'gar đạt khoảng 17%. Với mục tiêu trong thời gian tới có 50% tổng đàn gia cầm thực hiện theo hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, huyện Čư M'gar khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng hệ thống máng ăn, nước uống tự động, sử dụng đệm lót sinh học và sử dụng công nghệ để xử lý chất thải, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Cùng với đó huyện CưMgar sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, tư vấn, hướng dẫn, chuyển giao KHKT-công nghệ để người chăn nuôi nắm vững kiến thức về phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Đồng thời huy động và ưu tiên các nguồn lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đến các khu vực chăn nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, vận chuyển vật tư, thức ăn phục vụ chăn nuôi. Huyện Čư M'gar cũng khuyến khích người chăn nuôi xây dựng các chuỗi liên kết để cung ứng sản phẩm an toàn, chất lượng cho thị trường. Đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư, nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết giữa người chăn nuôi với các doanh nghiệp, du nhập, sản xuất các loại con giống có chất lượng.
Với những nỗ lực của UBND huyện trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn cùng với sự tham gia tích cực của người dân trong việc tham gia các chuỗi liên kết sản xuất, ngành chăn nuôi trên địa bàn sẽ có những bước phát triển vững chắc, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân./.
Công Phong