Huyện Cư M'gar đẩy mạnh sản xuất cà phê bền vững
Trong những năm qua, huyện Cư M'gar luôn đặc biệt quan tâm chương trình sản xuất cà phê bền vững gắn với biến đổi khí hậu, nhằm nâng cao năng suất và sản lượng cà phê. Thông qua các chương trình, dự án, các lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao các tiến bộ KHKT-công nghệ, đến nay chương trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận trên địa bàn huyện đã đạt những kết quả đáng ghi nhận.
Hiện nay, huyện Cư M'gar có diện tích sản xuất nông nghiệp khoảng 62.000 ha, trong đó diện tích cây lâu năm khoảng 48.000 ha bao gồm các loại cây trồng như: cà phê, cao su, hồ tiêu. Riêng diện tích cây cà phê khoảng 35.700 ha, chiếm khoảng 20% diện tích cà phê trong toàn tỉnh, với sản lượng bình quân hàng năm khoảng 80.000 tấn. Nhằm nâng cao giá trị sản xuất, trong những năm qua, chương trình sản xuất cà phê theo hướng bền vững đã được cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Cư M'gar đặc biệt quan tâm, nhất là trong giai đoạn biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt như hiện nay. Huyện Cư M'gar đã chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê để sản xuất cà phê có thông tin chứng nhận, có xuất xứ chỉ dẫn địa lý. Vì vậy, đến nay diện tích cà phê có thông tin chứng nhận theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, Rain Forest trên địa bàn huyện có hơn 15.000 ha và 9.500 hộ nông dân tham gia, sản lượng đăng ký hàng năm khoảng 40.000 tấn nhân xô. Đồng thời, huyện Cư M'gar đã tham gia có trách nhiệm với Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (viết tắt là VnSAT) về phát triển cà phê bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu của các tổ chức phi chính phủ và Ngân hàng thế giới. Cùng với đó là việc phát triển các hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ để thuận lợi trong việc phát triển cà phê bền vững, nhằm tạo điều kiện cho người dân có cơ hội áp dụng các tiến bộ KHKT-công nghệ trong sản xuất cà phê. Trong đó chú trọng các biện pháp như bón phân cân đối, tưới tiết kiệm nước, trồng cây che bóng... để nâng cao năng xuất, chất lượng và tạo ra khối lượng hàng hóa phục vụ yêu cầu của thị trường. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện Cư M'gar đã có 13 hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ tham gia phát triển cà phê bền vững. Trong đó có 03 hợp tác xã dịch vụ thương mại Công Bằng đang hoạt động khá hiệu quả trong sản xuất cà phê bền vững, và đang xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu sản xuất đầu vào cho đến khâu tiêu thụ sản phẩm cuối cùng với nhà rang xay.
Với quan điểm nâng cao năng xuất, chất lượng và giá trị gia tăng, trên cơ sở liên kết vùng sản xuất và xây dựng chuỗi giá trị cà phê - huyện Cư M'gar tiếp tục chú trọng xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó cà phê là cây trồng chủ lực phát triển theo hướng bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu. Huyện Cư M'gar cũng đang tiến hành triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trước mắt xây dựng mô hình Trại thực nghiệm nông nghiệp mô hình ứng dụng công nghệ cao, nhằm tiếp tục xây dựng và chuyển giao nhân rộng mô hình trên địa bàn của huyện. Thời gian qua, huyện Cư M'gar đã tiến hành khảo nghiệm thành công một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn như: trồng dưa lưới giống Nhật Bản, Đài Loan trong nhà kính cho năng xuất vượt trội; trồng nấm dược liệu Linh chi, Vân chi và đã gửi đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện mô hình sản xuất Đông trùng hạ thảo tại huyện trong năm 2017. Với kết quả khảo nghiệm các mô hình thành công, huyện đã chủ động cử cán bộ của Trung tâm dạy nghề của huyện tiếp cận công nghệ sinh học tại Trung tâm Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh để chuẩn bị nguồn nhân lực và lập hồ sơ, xin chủ trương UBND tỉnh thành lập khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện với quy mô 200 ha. Đồng thời, chuẩn bị nội dung, đề nghị tỉnh hỗ trợ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư trên địa bàn huyện, gắn phát triển cây công nghiệp ứng dụng công nghệ cao với khai thác tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, sinh thái và du lịch nông nghiệp. Bên cạnh sự phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện CưM'gar cũng đã khảo sát và làm việc với các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn, đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương thu hồi đất và xây dựng cụm công nghiệp của huyện với quy mô 70 ha (song song với khu công nghiệp chế biến sâu của tỉnh với quy mô là 350 ha).
Xác định cà phê là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn - huyện ủy Cư M'gar đã xây dựng và ban hành Nghị quyết số 04 ngày 25/07/2016 về phát triển nông nghiệp chất lượng cao, bền vững giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2025. Tin tưởng rằng trong những năm tới, việc sản xuất nông nghiệp chất lượng cao trên địa bàn huyện sẽ đạt được những kết quả khả quan, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện./.
Công Phong