Thứ bảy, ngày 22 tháng 02 năm 2025
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Trong tháng:

Tất cả:

Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
Cập nhật lúc: 16/11/2017

Huyện Cư M'gar - trồng cỏ nuôi bò, hướng đi bền vững của người chăn nuôi

Hiện nay huyện Cư M'gar có tổng đàn gia súc trên 60.000 con, trong đó đàn trâu bò có khoảng 14.550 con. Do đồng cỏ chăn thả trong tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, nguồn thức ăn xanh cho đàn gia súc trở nên khan hiếm, nên nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đã chủ động mở rộng diện tích trồng cỏ để duy trì phát triển chăn nuôi và bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. 

Gia đình anh Nông Đàm Nhân ở thôn Hiệp Hòa - xã Quảng Hiệp tổ chức nuôi bò đã hơn 10 năm nay với quy mô 02 con bò mẹ và 02 bò con. Để đảm bảo nguồn thức ăn xanh cho bò, từ năm 2012 đến nay, anh Nhân đã chủ động trồng cỏ xen vào những chỗ trống trong vườn nhà và ở ngoài rẫy. Theo anh Nhân - nếu đã xác định nuôi bò thì người chăn nuôi phải nghĩ ngay đến việc trồng cỏ, hiện nay, nếu chỉ dựa vào nguồn cỏ tự nhiên và nguồn phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp thì sẽ không đảm bảo thức ăn cho bò. Bò được cho ăn đầy đủ sẽ phát triển nhanh, chất lượng thịt tốt hơn so với hình thức chăn thả truyền thống. Bên cạnh đó, việc trồng cỏ còn giúp người chăn nuôi tránh được những rủi ro như: Bò ăn phải cỏ bị phun thuốc trừ sâu, hoặc bị lây truyền bệnh từ các đàn bò khác… Anh Nông Đàm Nhân ở thôn Hiệp Hòa - xã Quảng Hiệp chia sẻ: Trước đây còn nhiều vườn điều chăn thả gia súc được, nhưng 04 năm trở lại đây, người dân đã phá bỏ để chuyển sang các loại cây trồng khác nên không còn nhiều chỗ chăn thả nữa, nên nguồn thức ăn cho gia súc trở nên khan hiếm. Gia đình tôi trồng cỏ VA06, đây là giống cỏ lai cho năng xuất và chất lượng cao, chỉ cần tưới đủ nước và bón phân thì cỏ có quanh năm, bình quân từ 01 tháng rưỡi đến 01 tháng có thể thu được 01 đợt cỏ. Cỏ mình trồng nên chủ động được nguồn thức ăn, buổi sáng mình cho bò ăn cỏ, buổi chiều thả ra cho có nắng, có mưa để bò kháng bệnh.

Anh Nông Đàm Nhân đang cắt cỏ cho đàn bò của gia đình ăn

Trước đây, để có nguồn thức ăn cho đàn bò, gia đình anh Y Rôn Niê ở buôn Kana A - xã Cư M'gar phải đi chăn thả cả ngày. Nhưng khoảng 01 năm nay, khi áp dụng mô hình trồng cỏ nuôi bò, dù với diện tích không lớn chỉ 400 m2, nhưng anh Y Rôn đã phần nào chủ động được nguồn thức ăn cho 03 con bò của gia đình mình. Hiện nay, anh Y Rôn chỉ phải đi chăn thả bò vào buổi sáng, còn buổi chiều mất khoảng hơn 01 tiếng để cắt cỏ cho bò ăn và tranh thủ làm những việc khác. Nói về việc trồng cỏ để duy trì chăn nuôi bò của gia đình mình, anh Y Rôn Niê ở buôn Kana A - xã Cư M'gar cho biết: Biết trồng cỏ đem lại nhiều lợi ích, nhưng do không có đất, nên sau 01 năm nuôi bò tôi mới trồng được cỏ, đây là đất mượn ở bờ suối. Trồng được cỏ, gia đình đã chủ động được nguồn thức ăn cho đàn bò, hàng ngày chỉ cần chăn thả từ 01 đến 02 tiếng rồi về cắt cỏ cho bò ăn. Khi có việc bận, chỉ cần cắt cỏ bỏ cho bò ăn thôi, tranh thủ làm việc khác

Hiện nay huyện Cư M'gar có đàn bò phát triển mạnh tại các địa bàn như: Xã Cư M'gar, Ea Kpam, Ea Kiết, Ea H'đing, Ea Drơng, Ea Tul, Cuôr Đăng, Quảng Hiệp, thị trấn Ea Pốk. Người chăn nuôi đã tận dụng đất vườn, đất rẫy, những khu đất trống, dốc, các bãi ven ao, hồ, khu vực bờ suối, hoặc chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ để duy trì các đàn gia súc theo quy mô hộ gia đình. Theo thống kê, hiện nay huyện Cư M'gar có khoảng 70 ha đồng cỏ phục vụ cho chăn nuôi. Ngoài các giống cỏ truyền thống, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đưa những giống cỏ lai có năng suất, chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng cao vào trồng. Thực tế cho thấy – hầu hết các giống cỏ phục vụ chăn nuôi đều dễ trồng, sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh, ít tốn công chăm sóc. Việc trồng cỏ để chăn nuôi không những chủ động được nguồn thức ăn thô, thức ăn xanh, mà còn góp phần phòng, tránh những rủi ro khi chăn thả gia súc trong tự nhiên.

Tuy nhiên, phương thức sản xuất này không phải hộ dân nào cũng có thể thực hiện được bởi do thiếu đất, thiếu vốn và kiến thức khoa học kỹ thuật, nên nhiều hộ dân vẫn còn trồng những giống cỏ cũ chưa mang lại năng suất, hiệu quả cao. Vì vậy ngành nông nghiệp huyện Cư M'gar cần có kế hoạch đẩy mạnh công tác chuyển giao các tiến bộ KHKT để nhân rộng mô hình trồng cỏ chăn nuôi, hướng đến mục tiêu phát triển đàn gia súc theo hướng hiệu quả và bền vững./.

S.Pa

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang