Huyện Cư M’gar gặp nhiều khó khăn trong việc vận động nhân dân tham gia BHYT
Sau khi Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực I, II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 được ban hành, huyện Cư M'gar có 11 xã, thị trấn được công nhận là khu vực I. Như vậy, thẻ BHYT của người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và người dân sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn ở 11 xã, thị trấn này sẽ hết giá trị sử dụng. Trước tình hình trên ngành Bảo hiểm xã hội huyện đã tích cực phối hợp để tuyên truyền, vận động người dân ở các địa phương tham gia mua BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho bản thân. Tuy nhiên hiện nay việc vận động người dân mua BHYT đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngay sau khi Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thì đã có 63.366 người có thẻ BHYT hết giá trị sử dụng nên đã kéo tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn huyện từ 86,7% giảm chỉ còn 58%. Quyết định số 861/QĐ-TTg có hiệu lực đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế của nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như giảm tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân trên địa bàn huyện. Để đảm bảo quyền lợi cho người dân được hưởng các chính sách trong việc khám, chữa bệnh, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ thẻ BHYT trên địa bàn, Ngành BHXH huyện đã tích cực phối hợp với các cơ quan ban, ngành, các địa phương tuyên truyền, phổ biến Quyết định số 861/QĐ-TTg đến toàn thể nhân dân, chỉ đạo việc thực hiện việc rà soát lại số lượng bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh bằng BHYT trong thời điểm này để tìm hướng giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo rà soát, xác định số người không được thụ hưởng chính sách BHYT theo Quyết định 861/QĐ-TTg nhưng thuộc nhóm đối tượng khác được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT như hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội,… để lập danh sách kịp thời cấp thẻ BHYT theo quy định. Bên cạnh đó, sau khi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành Quyết định số 433/QĐ-UBDT phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 thì với huyện Cư M'gar có 4 thôn, buôn được công nhận đặc biệt khó khăn, BHXH huyện cũng đã phối hợp ngay trong việc thực hiện rà soát lại số lượng người sống sinh sống tại 4 thôn, buôn trên để kịp cập nhập số lượng và cấp kịp thời thẻ BHYT có giá trị ngay trong ngày 18/6/2021.
Xã Ea Tul trước đây thuộc xã vùng II với tỷ lệ người dân tộc thiểu số sinh sống chiếm tới 97% nên hầu hết người dân đều được Nhà nước hỗ trợ cấp thẻ BHYT miễn phí. Sau khi Quyết định số 861/QĐ-TTg có hiệu lực công nhận xã là khu vực I thì có 8.367 người bị cắt giảm thẻ BHYT và là địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất của huyện. Từ địa phương có tỷ lệ tham gia BHYT đạt 98,43% thì đến nay thì tỷ lệ tham gia BHYT của xã chỉ còn đạt 28,62%. Ông Lê Quang Bất, Chủ tịch UBND xã Ea Tul cho biết: Sau khi nhận được văn bản của BHXH huyện về việc cắt thẻ BHYT theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, xã Ea Tul đã thông báo ngay cho bà con trên địa bàn để bà con nắm được thông tin cụ thể, tiến hành rà soát ngay các đối tương được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT như hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội để lập danh sách gửi về huyện đề nghị cấp thẻ BHYT, phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động bà con chủ động mua thẻ BHYT nhằm đảm bảo hưởng các chế độ, chính sách trong việc khám chữa bệnh. Tuy nhiên hiện nay việc vận động bà con tự nguyện mua BHYT đang gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Ông Lê Quang Bất, Chủ tịch UBND xã Ea Tul cho biết thêm: "Ảnh hưởng đến đời sống của người dân rất là lớn vì thu nhập của người dân trên địa bàn xã rất thấp. Một người mua BHYT thì khoảng 800.000đ, mà gia đình có 7-8 thành viên thì số tiền bỏ ra rất là lớn. Năm nay tình hình dịch bệnh chung trong cả nước đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân. BHYT liên quan đến khám chữa bệnh của người dân, gia đình mà có người đau ốm nhưng không có BHYT chi trả thì tốn rất nhiều chi phí chính vì vậy chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền, vận động gia đình cố gắng tiết kiệm để mua BHYT. Chúng tôi thông báo rộng rãi trên hệ thống truyền thanh xã, trên các trang mạng xã hội và đến từng thôn, buôn để nhân dân nắm được, khuyến cáo người dân mua theo hình thức BHYT hộ gia đình để được hưởng tỷ lệ giảm trừ".
Trước những khó khăn đó, BHXH huyện cũng đã chủ động kiến nghị và thực hiện nhiều giải pháp trong việc phối hợp với các cơ quan, ban ngành và các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia BHYT, đặc biệt là tham gia BHYT hộ gia đình để tiết kiệm chi phí. Ông Trần Ngọc Quảng, Giám đốc BHXH huyện cho biết: "BHXH huyện tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo cho các cơ quan, Ban, ngành, Hội đoàn thể, UBND các xã thị, trấn phối hợp với BHXH huyện trong việc tiếp tục ký hợp đồng để mở rộng đại lý thu BHXH, BHYT, mở rộng mạng lưới BHYT xuống tận các thôn, buôn, đặc biệt chú ý việc tuyển dụng các cán bộ thôn, buôn, Tổ dân phố là người địa phương, người dân tộc thiểu số để tập huấn kỹ năng nghiệp vụ. Từ đó sẽ lan tỏa đến các thôn, buôn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu được những quyền lợi khi tham gia BHYT cũng như trách nhiệm tham gia, mức đóng BHYT được giảm trừ khi tham gia BHYT hộ gia đình, đỡ gánh nặng về tài chính để đảm bảo quyền lợi theo đúng quy định".
Hiện nay mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc vận động người dân tham gia BHYT, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, nhưng ngành BHXH huyện vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp, qua đó nhằm đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh của người dân, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân, từng bước thực hiện hiệu quả các chương trình đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn./.
H'Xiu