Huyện Cư M’gar phát triển cây ăn quả
Trước đây, trên 6ha đất gia đình anh Lê Hồng Luận ở thôn 1B, xã Ea M'nang, huyện Cư M'gar trồng cà phê và hồ tiêu. Do cà phê và hồ tiêu già cỗi, năng suất thấp cộng với giá cả thị trường bấp bênh, năm 2018 gia đình anh Luận đã chuyển sang trồng các loại cây ăn trái, như: vải u hồng, nhãn hương chi và sầu riêng. Không chỉ thay đổi phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ, anh Luận còn áp dụng khoa học kỹ thuật để điều tiết vườn nhãn ra hoa, cho quả rải vụ đều trong năm nhằm nâng cao giá trị. Hiện nay, gia đình anh Luận có 300 gốc nhãn hương chi đang cho thu hoạch với năng suất đạt khoảng 20 kg/cây. Nhờ chất lượng quả tốt, thương lái vào tận vườn mua với giá từ 20 đến 25.000đ/kg.
Còn gia đình anh Nguyễn Thanh Nhàn ở buôn Tâng Lía, xã Ea Tar đã mạnh dạn đầu tư trồng sầu riêng và mít với diện tích 17 ha. Để tạo lợi thế cho sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, anh Nhàn đã chủ động áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ. Hiện nay bình quân mỗi cây sầu riêng cho thu hoạch từ 70kg đến 90 kg quả. Với giá bán như hiện nay, sau khi trừ chi phí đầu tư gia đình anh Nhàn thu nhập hàng tỷ đồng.
Để cải thiện và nâng cao thu nhập trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua nông dân ở huyện Cư M'gar đã chú trọng phát triển các loại cây ăn quả, như: Cam sành, quýt đường, bưởi da xanh, bơ, sầu riêng, nhãn, vải, mít… Đến nay, toàn huyện có 1.375 ha cây ăn quả, với giá trị kinh tế hàng năm đạt từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi ha. Tuy nhiên, sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ thông qua tư thương và chưa thu hút được các doanh nghiệp đứng ra kết nối để thu mua cho người dân. Vì vậy, huyện Cư M'gar đang nỗ lực kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, các siêu thị có nguồn cung ứng rộng rãi trên thị trường để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Thời gian đến huyện Cư M'gar tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao các tiến bộ KHKT- công nghệ trong việc trồng và chăm sóc cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước khắc phục dần tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, vận động người dân liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tạo cơ chế thông thoáng về thủ tục hành chính để thu hút các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, góp phần cùng địa phương thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Công Phong 3