Huyện Cư M’gar phát triển sản phẩm OCOP
Những năm qua, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) trên địa bàn huyện Cư M'gar đã đạt được kết quả tích cực, số lượng các sản phẩm đăng ký tham gia chương trình và được công nhận ngày càng nhiều.
Được sự tư vấn, hướng dẫn của địa phương, năm 2019 chị Trần Thị Kim Luyến ở thôn 4, xã Ea Tar đã chủ động đăng ký tham gia chương trình OCOP của tỉnh với sản phẩm tinh bột nghệ. Để nâng cao giá trị sản phẩm, chị đã đầu tư máy móc hiện đại, mỗi khâu trong quá trình sản xuất được kiểm soát nghiêm ngặt, không sử dụng chất nhân tạo nên sản phẩm làm ra được thị trường rất ưa chuộng. Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ ở trên địa bàn và nhiều tỉnh, thành như: tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bến Tre, Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội... mà còn xuất đi thị trường Mỹ, Nhật Bản. Bình quân, mỗi năm cơ sở của gia đình chị sản xuất khoảng 02 tấn tinh bột nghệ, sau khi trừ chi phí đầu tư, chị có thu nhập đạt trên 200 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Hiện nay sản phẩm tinh bột nghệ của gia đình chị đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", những năm qua huyện Cư M'gar đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền vận động và có biện pháp hỗ trợ nhằm khuyến khích các tổ chức kinh tế, cá nhân trên địa bàn tham gia; tăng cường hỗ trợ địa phương phát triển các sản phẩm chủ lực, đảm bảo chuẩn hóa theo tiêu chí sản phẩm OCOP; đồng thời đẩy mạnh chương trình kết nối quảng bá để sản phẩm được giới thiệu rộng khắp tại các thị trường ngoài địa phương.
Sau nhiều nỗ lực phấn đấu, tính đến nay trên địa bàn huyện đã có 10 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Trong đó có 4 sản phẩm của doanh nghiệp, 3 sản phẩm của hộ gia đình, còn lại của các Hợp tác xã. Đây đều là những sản phẩm đặc trưng, có nhiều tiềm năng phát triển của huyện. Cụ thể, có 01 sản phẩm thực phẩm (Thịt gà đen H'Mông), 05 sản phẩm tinh bột nghệ, mật ong và 05 sản phẩm đồ uống, tập trung ở các địa phương như: xã Quảng Hiệp, xã Ea M'droh, xã Ea Tar, xã Cư Suê và thị trấn Quảng Phú… Từ lợi thế của mỗi sản phẩm được công nhận và sự chủ động của các chủ thể, một số sản phẩm OCOP của huyện đã và đang tiếp cận được một số thị trường tiềm năng.
Huyện Cư M'gar có nhiều lợi thế về phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đa dạng các sản phẩm, từ sản phẩm nông nghiệp đến sản phẩm làng nghề truyền thống… Để khơi dậy được những tiềm lực này thì mỗi người dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần phải chú trọng đến việc thay đổi quy mô, hình thức sản xuất, từng bước nâng tầm giá trị và chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chí của chương trình OCOP. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các địa phương, các cơ quan liên quan cũng cần có sự hỗ trợ tích cực hơn để nâng cao chất lượng và hiệu quả chương trình.../.
-S.Pa-