Huyện Cư M’gar tái phát dịch tả lợn châu Phi
Mặc dù ngành chức năng, các địa phương ở huyện Cư M'gar đã tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tuy nhiên hiện dịch tả lợn châu Phi đang có dấu hiệu bùng phát trở lại tại nhiều xã, khiến người chăn nuôi lo lắng.
Lãnh đạo Cục thú y, Chi Cục thú y tỉnh và huyện kiểm tra ổ dịch tại xã Ea Kiết
Mới đây, 16 con lợn của đình đình bà Trần Thị Hoa ở thôn 1 (xã Cư Suê) bị mắc bệnh và chết do dịch tả lợn châu Phi, trong đó có 01 lợn mẹ và 15 lợn con. Ngay sau khi lợn bị chết, bà đã báo chính quyền địa phương, ngành thú y huyện đến để phối hợp xử lý.
Do mua con giống không rõ nguồn gốc, chỉ sau 01 thời gian ngắn thực hiện tái đàn, đàn lợn 10 con của gia đình anh Trịnh Quốc Hoan ở thôn 8 (xã Ea Kiết) đều bị mắc dịch tả lợn châu Phi và buộc phải tiêu hủy, với trọng lượng 340 kg, gây thiệt cho gia đình gần 30 triệu đồng. Để ngăn chặn dịch bùng phát, anh đã phun hóa chất tiêu độc, khử trùng theo quy định của các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.
Theo thông tin từ Trạm Chăn nuôi và Thú ý huyện, dịch tả lợn châu Phi bắt đầu tái phát trên địa bàn huyện từ ngày 27-1, tính đến nay đã xảy ra tại 04 hộ chăn nuôi ở 04 thôn của 03 xã Ea Kpam, Cư Suê và Ea Kiết, buộc phải tiêu hủy 159 con lợn, với trọng lượng hơn 5.690 kg. Trong đó, xã Ea Kpam có số lợn bị mắc bệnh và tiêu huỷ nhiều nhất, với 133 con, trọng lượng hơn 4.800 kg; xã Cư Suê 16 con và Ea Kiết 10 con. Nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi tái phát là do một số hộ chăn nuôi đang đẩy mạnh tái đàn, lợn được mua không rõ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; một số hộ còn chủ quan trong công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, sau khi có lợn bị mắc bệnh, các hộ đã gắng gượng chữa trị nhưng bất thành, chỉ đến khi lợn chết mới tiến hành khai báo, điều này vô hình trung giúp mầm bệnh có thêm thời gian tồn lưu, từ đó có khả năng phát tán rộng rãi.
Trước tình hình dịch bệnh xảy ra, UBND huyện Cư M'gar đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương có dịch bệnh tái phát tổ chức tiêu hủy, tiêu độc khử trùng tránh lây lan ra diện rộng. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; làm tốt công tác tiêm phòng cho đàn lợn, tiêu độc khử trùng chuồng trại; khi có lợn ốm, chết phải báo cho chính quyền tổ chức tiêu hủy, không mua bán, vận chuyển; không giết mổ tiêu thụ lợn bệnh, không vứt xác lợn chết ra môi trường.
Dịch tả lợn châu Phi hiện vẫn chưa có vắc-xin phòng và thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy, ngành thú ý huyện, các địa phương, hộ chăn nuôi trên địa bàn cần tập trung phòng bệnh là chủ yếu; tăng cường giám sát dịch bệnh tại cơ sở để sớm phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời. Cùng với đó, người chăn nuôi phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại bằng vôi bột, phun tiêu độc khử trùng; thận trọng trong việc tái đàn, nhất là vấn đề lựa chọn con giống phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo tái đàn theo hướng an toàn dịch bệnh... Có như vậy, mới góp phần ngăn ngừa hiệu quả dịch tả lợn châu Phi, phát triển đàn lợn mang lại hiệu quả kinh tế cao./.
-S.Pa- 26.3.3