Huyện Čư M'gar tích cực chủ động đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Những năm qua công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Čư M'gar quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện gắn với nhu cầu thực tiễn. Qua đó đã từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động, giải quyết việc làm, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo ở của địa phương, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sau khi tham gia lớp dạy nghề dệt thổ cẩm được tổ chức ở địa phương, nhiều chị em đồng bào ÊĐê ở xã Ea Tul đã có thể tự tạo ra những sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống đặc trưng của dân tộc mình như: Chăn, áo, váy, túi xách, ví, khăn… Từ đó không chỉ góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc mà còn giúp chị em có thêm thu nhập cho gia đình. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, hiện nay chị em đã cùng nhau thành lập nên “Tổ liên kết sản phẩm thổ cẩm Ea Tul”. Mỗi năm tổ xuất bán ra thị trường hàng trăm sản phẩm dệt truyền thống các loại, sau khi trừ các chi phí đầu tư, mỗi tháng các thành viên có thêm thu nhập từ 03 đến 04 triệu đồng, đặc biệt có thành viên thu nhập lên đến gần 08 triệu đồng.
Từ học nghề dệt đã giúp nhiều chị em tạo được việc làm, tăng thu nhập cho gia đình
Những năm qua công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được huyện Čư M'gar quan tâm triển khai thực hiện. Hằng năm UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã-thị trấn tiến hành khảo sát nhu cầu, xu hướng học nghề của Nhân dân. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp lao động định hướng nghề nghiệp, tìm việc làm phù hợp để trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình. Các lớp dạy nghề được các cơ quan chuyên môn, các địa phương và cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện phối hợp tổ chức theo hướng đổi mới gắn với nhu cầu đăng ký thực tiễn ngay tại địa bàn dân cư. Từ năm 2012 đến nay toàn huyện đã mở 73 lớp dạy nghề thu hút 2.432 lao động nông thôn tham gia. Trong đó tập trung các nghề như: sửa chữa xe máy, dệt thổ cẩm, may công nghiệp, kỹ thuật nấu ăn, xây dựng dân dụng…
Nhờ được đào tạo nghề gắn với nhu cầu của thị trường và nhu cầu thực tế ở địa phương đã giúp nhiều lao động, nhất là lao động trẻ ở huyện Čư M'gar tìm được việc làm tại các cơ sở, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn huyện, hoặc áp dụng những kiến thức, kỹ thuật đã được học vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình. Nhiều lao động sau khi học nghề cũng đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tự tạo việc làm cho bản thân và tạo việc làm cho nhiều lao động khác ở địa phương.
Lợi ích của việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng được khẳng định khi người học đã phát huy được kiến thức về lĩnh vực mình được đào tạo để tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ hoặc tự tìm kiếm việc làm. Từ đó đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.
-S.Pa-