Một số kết quả trong công tác chuyển đổi cây trồng ở huyện CưM’gar.
Trong những năm qua, để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, huyện CưM'gar đã mạnh dạn thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, đa dạng hóa nông nghiệp. Qua đó, đã nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân.
Huyện CưM'gar hiện có tổng diện tích đất tự nhiên 82.443ha, trong đó có khoảng 62.103ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 75,3% diện tích đất tự nhiên, vì vậy nông nghiệp được xác định là mũi nhọn phát triển kinh tế của huyện. Với lợi thế đất đai màu mỡ, trong những năm qua huyện CưM'gar đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với bền vững, khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất các loại cây trồng, vật nuôi. Từ năm 2010 đến nay huyện CưM'gar đã chỉ đạo các ngành chuyên môn và các đoàn thể tổ chức 250 cuộc hội thảo chuyên đề về sản xuất nông nghiệp, có trên 10 ngàn lượt người tham gia. Qua đó, giúp bà con nông dân có điều kiện tiếp cận và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Xây dựng các mô hình trình diễn giới thiệu những loại giống cây trồng cho năng suất và giá trị sản phẩm cao, phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng của địa phương. Đồng thời khuyến cáo bà con nông dân sử dụng những loại giống cây trồng phù hợp với từng vùng, từng thời vụ, nhằm nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Toàn huyện có khoảng 3.100ha lúa nước, thông qua các cuộc hội thảo đầu bờ, nông dân đã đẩy mạnh việc gieo trồng các giống lúa mới, cho năng suất cao như: Hương Ưu 3068, Vĩnh Hòa 1, AC 5, lúa thuần RTV, Nhị ưu 838, Nghi hương 2308, IR 64 thuần chủng... , góp phần đưa năng suất lúa nước bình quân ở huyện hàng năm đạt 6,3 – 6,5 tấn/ha. Đến nay diện tích lúa lai được gieo tỉa đã chiếm đến 65% tổng diện tích lúa gieo tỉa hàng năm.
CưM'gar cũng là một trong những địa phương có diện tích ngô lai lớn của tỉnh ĐăkLăk. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay diện tích ngô đã tăng khoảng 400ha, nâng tổng diện tích đất gieo tỉa cây ngô lai của huyện trên 10 ngàn 800ha. Bà con nông dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, đưa các loại giống ngô lai có năng suất cao đã được khảo nghiệm qua nhiều năm vào gieo trồng đại trà như: Bioseed 9698, V98-1, DK888, G49,…. Việc chăm sóc khá dễ, hiệu quả kinh tế cao nên cây ngô lai đang thực sự hấp dẫn đối với người nông dân, với năng suất đạt 6,5 tấn/ha, tổng sản lượng hàng năm đạt khoảng 70.000 tấn. Nhiều địa phương đã trở thành những vùng sản xuất ngô như: EaM'nang, Quảng hiệp, CưM'gar, EaKiết, EaM'roh, cây ngô đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo đối với nông dân nơi đây. Cùng với đó thì các loại cây trồng ngắn ngày cũng được quan tâm phát triển mạnh, đặc biệt là cây đậu nành, đậu phụng, hoa, rau xanh đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của người dân. Hàng năm huyện CưM'gar có trên 320ha đậu nành, đậu phụng, rau, hoa các loại, cho sản lượng khoảng 3.774 tấn, tập trung ở các vùng Quảng tiến, Quảng hiệp, EaKuêh, EaPôk,… Giá cả đậu nành, đậu phụng, rau xanh, cây hoa khá ổn định nên đã góp phần không nhỏ trong việc xóa đói giảm nghèo cho nhiều gia đình.
Bên cạnh các loại cây trồng ngắn ngày, huyện CưM'gar cũng đặc biệt chú trọng phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, tiêu, cao su và các loại cây ăn quả, với 48.561ha, giá trị thu nhập khoảng 120 triệu đồng/ha. CưM'gar là vùng trọng điểm cà phê của tỉnh Đăklăk, đây cũng là cây chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện. Trong những năm gần đây, mặc dù giá cả cà phê biến động, nhưng chính quyền địa phương đã vận động nhân dân duy trì ổn định gần 36 ngàn ha cà phê. Tuy nhiên, do đa số diện tích cà phê trên địa bàn trồng từ những năm 1986 – 2005 nên đã có khoảng 11 ngàn ha đã bước vào giai đoạn già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh. Toàn huyện còn có khoảng 4700ha cà phê trồng không đảm bảo nguồn nước tưới, không phù hợp thổ nhưỡng, độ dốc lớn cần phải chuyển đổi.
Đối với diện tích hồ tiêu, do giá hồ tiêu lên cao, nên những năm qua nhiều người dân chuyển diện tích cây trồng khác sang trồng hồ tiêu. Toàn huyện có khoảng 2.362 ha hồ tiêu, trong đó có 1.012ha hồ tiêu trồng thuần, năng xuất bình quân đạt 3 tấn/ha. Cây hồ tiêu đang giúp nhiều nông dân trên địa bàn huyện trở thành những tỷ phú . Ngoài ra, toàn huyện còn phát triển được trên 933ha cây ăn trái với nhiều loại giống phong phú, chất lượng cao có lợi thế cạnh tranh trên thị trường như: sầu riêng hạt lép, bơ bút. Đối với cây cao su, ngoài những diện tích đã có từ trước ở các xã EaKpam, Eatar, EaH'đing, Cuôr Đăng, EaDrơng và EaTul, trong thời gian qua thực hiện dự án phát triển cao su các tỉnh Tây nguyên của Chính phủ, toàn huyện đã trồng được 8.737 ha cao su, tăng 678 ha so với năm 2010, tập trung ở các xã Eakuêh, Quảng hiệp, Eakiết. Cây cao su đã đem lại nguồn thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Mặc dù công tác chuyển đổi cơ cấy cây trồng ở huyện CưM'gar đã đạt được kết quả khả quan, nhưng chưa thực sự bền vững. Việc chuyển đổi cây trồng còn mang tính tự phát, phần lớn người dân thường chạy theo lợi nhuận trước mắt không tính đến lâu dài. Sản xuất chưa thực sự gắn với chế biến và bảo quản sau thu họach; việc tiêu thụ sản phẩm còn phó mặc cho tư thương; Công tác thủy lợi phục vụ cho việc tưới tiêu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông nghiệp của địa phương. Đây là những vấn đề mà huyện CưM'gar đang cố gắng khắc phục để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngày càng đạt được hiệu quả cao hơn, nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh sẵn có của địa phương.
Dưới sự lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền địa phương, nền nông nghiệp của huyện CưM'gar sẽ tiếp tục phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường để xây dựng huyện CưM'gar phát triển toàn diện./.
Công Phong – Đài TT CưM'gar