Thứ ba, ngày 29 tháng 04 năm 2025
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Trong tháng:

Tất cả:

Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
Cập nhật lúc: 04/04/2025

Mùa thu hoạch mật ngọt từ núi rừng Tây Nguyên

Hiện nay đang là mùa thu hoạch mật ong. Để thu hoạch được những giọt mật ong vàng óng, đặc sánh cung cấp cho người tiêu dùng, người nuôi ong và các thợ ong phải trải qua không ít các công đoạn vất vả, đối mặt với nhiều thử thách và khó khăn.

25.131

Cầu ong trước khi quay lấy mật.

Tháng 3 hằng năm, khi mùa hoa cà phê nở rộ cũng là thời điểm người nuôi ong lấy mật ở Đắk Lắk nói chung và ở huyện Čư M'gar nói riêng bước vào mùa thu hoạch mật ong hoa cà phê, một trong những sản vật đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên. Giữa bạt ngàn cà phê, những đàn ong ngày ngày cần mẫn gom nhặt từng giọt mật tinh túy từ hoa cà phê để tạo nên một loại mật đặc trưng, giàu bản sắc và hương vị. Để thu hoạch mật ong, người nuôi ong đòi hỏi phải có sự kiên trì, tỉ mỉ và hiểu về đặc tính sinh trưởng, phát triển của ong, nắm vững quy luật và chu kỳ của từng loại hoa để ong có thể làm mật theo mùa. Công việc nuôi ong tuy không quá phức tạp, nhưng khi yêu nghề thì người nuôi ong mới có thể làm tốt và gắn bó lâu dài với công việc… Hơn 30 năm gắn bó với nghề nuôi ong, hiện nay gia đình ông Vũ Hữu Cao ở thôn 3 xã Cư Suê có 900 đàn ong mật, sản lượng hằng năm khoảng 60 tấn mật. Việc nuôi ong đã giúp cho gia đình ông ổn định cuộc sống, có điều kiện lo cho các con ăn học. Ông Cao tâm sự: Nghề nuôi ong đối diện với không ít khó khăn và rủi ro. Ong là loài rất nhạy cảm với thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ cần hút phải những bông hoa có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đàn ong sẽ không sống sót, gây thiệt hại cho người nuôi. Vì vậy việc lựa chọn những khu vực canh tác cà phê sạch, an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu của những người nuôi ong chuyên nghiệp như gia đình ông Cao. Khi những cầu ong óng ánh sắc vàng, căng tràn mật ngọt, đó là dấu hiệu của một vụ mùa bội thu. Theo kinh nghiệm của những người nuôi ong lâu năm, mật ong hoa cà phê thường được thu hoạch vào tháng ba hằng năm sẽ có chất lượng tốt nhất. Mật có màu vàng nhạt, hương thơm nhẹ nhàng, vị ngọt thanh khiết, không gắt và có độ sánh đặc trưng. Đặc biệt loại mật ong hoa cà phê không bị ngã màu hay đóng đường khi để lâu ngày. 

Chị Nguyễn Thị Minh Tâm - Đội trưởng đội dịch vụ quay mật ong Minh Tâm ở tổ dân phố I thị trấn Quảng Phú cho biết: Việc thu hoạch mật ong đòi hỏi sự nhanh chóng và khéo léo để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe đàn ong và đảm bảo chất lượng, sản lượng mật. Nếu quá trình thu hoạch kéo dài, mật ong có thể bị ong hút lại. Vào những ngày nắng nóng, nhộng ong dễ bị yếu, thậm chí chết. Vì vậy người nuôi ong cần hoàn thành công việc trong vòng 04 tiếng tại mỗi trại để ổn định đàn ong và đảm bảo mật được thu hoạch đầy đủ. Trước khi thu hoạch, người thợ ong nhẹ nhàng mở thùng, cẩn thận quan sát trước khi dùng khói hun nhẹ để làm dịu đàn ong. Làn khói mỏng lan tỏa giúp xua bầy ong, hạn chế nguy cơ bị ong đốt, khiến cho việc gỡ cầu ong trở nên dễ dàng. Với đôi bàn tay khéo léo của mình, người thợ ong nhẹ nhàng gỡ từng cầu mật, cẩn thận loại bỏ những chú ong còn bám lại. Hàng trăm con ong bám chặt lấy các cầu mật, chúng vo ve không ngừng lay động để bảo vệ thành quả sau nhiều ngày miệt mài hút mật từ muôn loài hoa. Để thu hoạch mật mà không làm tổn thương đàn ong, những người thợ ong phải nhẹ nhàng dùng những chiếc chổi lông mềm quét sạch từng chú ong còn bám lại. Mỗi động tác đều được thực hiện với sự kiên nhẫn và cẩn trọng, tránh làm xáo trộn hay gây hoảng loạn cho bầy ong. Những chú ong sau khi được gỡ khỏi cầu mật nhanh chóng bay lượn rồi trở về tổ. Sau khi cầu ong đầy mật ngọt được lấy ra khỏi thùng, đến công đoạn cắt sáp ong, cắt xong, các cầu mật được xếp cẩn thận vào thùng quay (hay còn gọi là thùng ly tâm) để tách mật ong ra khỏi cầu và chảy xuống đáy thùng chứa. Khi mật đã được vắt kiệt, các cầu ong sẽ được trả lại vào thùng ong để ong có thể tiếp tục sản xuất mật mới. Cũng theo chị Tâm, quá trình thu hoạch mật ong, những người thợ gặp không ít khó khăn. Trong quá trình thu hoạch, thợ ong thường xuyên tiếp xúc với khói lửa, nếu không quen sẽ rất dễ bị chảy nước mắt, nước mũi. Những người khi mới vào nghề, chưa có nhiều kinh nghiệm thường dễ bị ong đốt, gây dị ứng khó chịu, làm gián đoạn công việc. Để gắn bó với nghề, những người thợ ong phải chịu khó, kiên trì, đồng thời chủ động trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, mũ lưới che kín mặt để tránh bị ong tấn công. 

Hiện nay huyện Čư M'gar có khoảng 1.500 gia đình nuôi ong lấy mật với gần 6.250 thùng, sản lượng mật ong hằng năm khoảng trên 375 tấn (chiếm khoảng 30% của cả tỉnh). Để nâng cao giá trị sản phẩm, nhiều hộ nuôi ong mật đã xây dựng thành công  sản phẩm Ocop để xuất khẩu để cung ứng cho người tiêu dùng và xuất khẩu. Từ nghề nuôi ong cũng đã giúp cho nhiều gia đình có kinh tế ổn định, góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững ở địa phương./.

Công Phong 

 

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang