Nâng cao thu nhập nhờ “trẻ hóa” vườn cà phê của gia đình ông Trần Mậu Tuất ở thôn 9 xã Ea Kiết
Ghép những giống cà phê mới, cho năng suất cao vào những gốc cà phê già cỗi để từng bước "trẻ hóa" vườn cây là cách làm đang được nhiều nông dân ở huyện Cư M'gar áp dụng. Cách làm này đã mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế để phát triển cà phê theo hướng bền vững. Ông Trần Mậu Tuất ở thôn 9 xã Ea Kiết là một trong những hộ đã thành công với cách làm này với năng suất bình quân ban đầu đạt 5,2 tấn/ha.
Gia đình ông Trần Mậu Tuất ở thôn 9 xã Ea Kiết có 1,7 ha cà phê được trồng từ năm 1995 nên đến nay vườn cây đã già cỗi, sâu bệnh nhiều và cho năng suất thấp. Sau nhiều lần thay đổi biện pháp chăm sóc nhưng năng suất vườn cây không được cải thiện bao nhiêu. Năm 2014, sau khi được tham gia lớp tập huấn hướng dẫn về cải tạo vườn cà phê bằng phương pháp ghép gửi do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức, ông Tuất đã nhận thấy những ưu điểm của biện pháp này và đã mạnh dạn thực hiện "trẻ hóa" vườn cây của gia đình với 1.700 cây cà phê. Giống cà phê được ông Tuất thực hiện ghép gửi là giống TR4 có năng suất cao được mua từ Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI). Sau 02 tháng thực hiện gia đình ông Tuất đã hoàn thành việc ghép giống cà phê mới cho toàn bộ vườn cây. Nhờ áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật nên tỷ lệ mắt ghép thành công đạt khá cao, chiếm tỷ lệ từ 80 đến 85%. Điều đáng nói là việc ghép chồi đều do vợ chồng ông Tuất tự mày mò học kỹ thuật ghép, rồi thực hành trên vườn cây, không thuê mướn nhân công ghép. Ông Tuất cho biết: Việc cải tạo vườn cà phê bằng phương pháp ghép gửi có ưu điểm là không phải phá bỏ vườn cà phê cũ, gây tốn kém, người nông dân chỉ mất chi phí giống ghép và công ghép. Vì khi ghép theo phương pháp ghép gửi, không phải phá bỏ toàn bộ vườn cây, mà chờ đến khi chồi ghép lớn, to khỏe, lúc đó mới tiến hành cưa bỏ cây cà phê già cỗi để chồi ghép phát triển.
Ông Trần Mậu Tuất bên vườn cà phê đã "trẻ hóa" của gia đình
Được chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn cà phê của gia đình ông Tuất sinh trưởng và phát triển tốt, chỉ sau 02 năm thực hiện phương pháp ghép chồi, 1.700 gốc cà phê của gia đình đã cho những quả bói đầu tiên với nhiều ưu điểm vượt trội như: Quả to, chín đều, vỏ mỏng, nhân dày và ít sâu bệnh, bình quân mỗi cây có trọng lượng đạt 3,5 kg. Sang đến năm thứ 02 vườn cà phê ghép của gia đình ông Tuất bình quân đạt 5,2 tấn/ha. Sau khi trừ hết chi phí đầu tư, lợi nhuận thu được từ vườn cà phê đạt gần 200 triệu đồng. Đây là mức thu nhập cao nhất từ khi trồng cà phê đến nay của gia đình ông Tuất. Ông Tuất cho biết thêm: Dự đoán khi vườn cây bước sang năm thứ 04, thứ 05 (thời kỳ kinh doanh) vườn cà phê của gia đình ông sẽ cho năng suất cao hơn. Quy chuẩn của giống cà phê ghép TR4 có năng suất đạt từ 06 đến 07 tấn/ha.
Để nâng cao hệ số sử dụng đất, ông Tuất còn trồng xen thêm gần 1.000 trụ tiêu trong vườn cà phê của gia đình. Cách làm này, không chỉ có tác dụng che nắng, chắn gió cho cây trồng chính mà còn cải thiện thu nhập cho gia đình. Hiện với 300 trụ tiêu đang trong chu kỳ kinh doanh nhưng mỗi năm gia đình ông vẫn thu được 02 tấn tiêu. Mặc dù giá hồ tiêu ở mức thấp, nhưng thu nhập từ vườn cây của gia đình ông Tuất (từ cà phê và hồ tiêu) cho lãi hàng năm đạt khoảng 280 triệu đồng./.
S.Pa