Năng suất hồ tiêu ổn định nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật của nhân dân thôn 4 xã Cư Suê
Năm nay nhiều diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện nói chung và ở xã Cư Suê nói riêng bị giảm năng suất, cùng với đó giá hồ tiêu trên thị trường xuống thấp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên nhờ chủ động áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, nên các diện tích hồ tiêu ở địa bàn thôn 4 xã Cư Suê vẫn giữ được năng suất ổn định, đặc biệt nhiều diện tích còn có năng suất cao so với niên vụ trước.
Cũng như nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn, đến thời điểm hiện nay, gia đình ông Trần Văn Tuất ở thôn 4 xã Cư Suê đã thu hoạch hồ tiêu xong. Gia đình ông Tuất bắt đầu trồng hồ tiêu từ năm 2012 với khoảng 1.000 trụ xen trong 1,5 ha cà phê của gia đình, trong đó có khoảng 800 trụ đang trong chu kỳ kinh doanh. Nhờ đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, hồ tiêu của gia đình phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh gây hại, năng suất cao và ổn định. Năm nay, hầu hết diện tích hồ tiêu ở các địa phương khác bị mất mùa do ảnh hưởng của thời tiết, nhưng hồ tiêu của gia đình ông Tuất vẫn cho năng suất ổn định với sản lượng đạt trên 2,4 tấn, tăng cao so với niên vụ 2017. Ông Trần Văn Tuất ở thôn 4 xã Cư Suê nói: Trồng tiêu thứ nhất phải đảm bảo được nguồn nước, tránh để cây bị úng nước. Khi bón phân phải hạn chế sử dụng phân hóa học nên sử dụng nhiều phân hữu cơ vi sinh. Phòng bệnh phải thực hiện đúng thời điểm, đúng loại thuốc vào đầu mùa mưa, giữa mùa mưa và cuối mùa mưa, phòng là chính chứ cây hồ tiêu đã bị bệnh thì rất khó chữa, chủ yếu là bệnh rệp xáp, tuyến trùng. Những năm gần đây, năng suất hồ tiêu của gia đình năm nào cũng đạt, năm sau thường cao hơn năm trước.
Cũng như hộ gia đình ông Tuất, nhờ thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật trong chăm sóc cây hồ tiêu, nên nhiều năm nay hơn 1.000 trụ tiêu trồng xen trong cà phê của gia đình ông Đỗ Phú Sỹ ở thôn 4 xã Cư Suê cũng phát triển khá tốt, giảm thiểu sâu bệnh và những tác động xấu từ thiên nhiên, cho năng suất ổn định. Với 700 trụ hồ tiêu đang trong chu kỳ kinh doanh, năm nay gia đình ông Sỹ thu được 1,5 tấn. Ông Đỗ Phú Sỹ ở thôn 4 xã Cư Suê chia sẻ: Năm nay là năm thứ 02 vườn tiêu của gia đình cho thu hoạch, tôi thấy vườn cây cho năng suất ổn định và đạt khá. Năm ngoái, gia đình cũng thu được 1,5 tấn hồ tiêu. Năm nay một số diện tích tiêu trâu trong quá trình hình thành trái bị ảnh hưởng do mưa đến sớm, nếu không năng suất sẽ còn cao hơn nữa.
Hiện nay địa bàn thôn 4 xã Cư Suê có khoảng 50 ha hồ tiêu chủ yếu được trồng xen canh trong các vườn cà phê. Đến thời điểm hiện nay, phần lớn bà con trong thôn đã thu hoạch xong các diện tích hồ tiêu với năng suất bình quân đạt từ 2,2 đến 03 tấn/ha... Những năm gần đây nhờ mạnh dạn tìm hiểu, học hỏi và chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc hồ tiêu, nên phần lớn diện tích hồ tiêu ở địa bàn thôn 4 xã Cư Suê phát triển tốt, cho năng suất ổn định. Từ cây trồng này, nhiều hộ gia đình ở thôn 4 xã Cư Suê đã vươn lên trở thành triệu phú, tỷ phú…
Nông dân xã Cư Suê thu hoạch hồ tiêu
Bà Phạm Thị Thu – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Suê cho biết thêm: Năm nay sản lượng hồ tiêu chung trên địa bàn xã bị sụt giảm do ảnh hưởng của thời tiết, chỉ đạt từ 1,7 đến 02 tấn/ha. Tuy nhiên tại địa bàn thôn 4, năng suất hồ tiêu vẫn giữ được mức ổn định. Bà con trong thôn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rất tốt, đặc biệt biết sử dụng phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng, không lạm dụng phân hóa học. Cách làm này, đã bổ sung tốt nguồn dinh dưỡng lâu dài cho cây trồng, giảm chi phí đầu tư trong sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Hiện nay giá hồ tiêu trên thị trường không còn cao như những năm trước, dao động ở mức từ 57.000 đến 64.000 đồng/kg. Vì vậy, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất không chỉ hạn chế được rủi ro do biến động của giá cả thị trường, giảm thiểu tác động xấu từ sâu bệnh gây hại, khí hậu thời tiết, mà còn góp phần bảo đảm cho sự phát triển bền vững của loại cây trồng khó tính này./.
S.Pa