Thứ bảy, ngày 22 tháng 02 năm 2025
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Trong tháng:

Tất cả:

Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
Cập nhật lúc: 02/02/2017

Nét đẹp tết cổ truyền vùng đất Cư M’gar

33 năm qua, kể từ ngày thành lập huyện, nhiều dân tộc anh em đã rời xa quê hương, nơi chôn rau, cắt rốn, mang theo tên đất, tên làng, mang theo các nét đẹp văn hóa truyền thống để cùng nhau quy tụ xây dựng huyện Cư M'gar phát triển như ngày nay.

Tết Tây Nguyên được báo hiệu bởi những cơn gió lành lạnh, lộc non mơn mởn trỗi dậy trên những ngọn cây. Và điều dễ nhận biết đó là sự xuất hiện sắc vàng, sắc đỏ của hoa mai, hoa đào, của bánh kẹo được bày bán khắp trên các con đường. Đối với huyện Cư M'gar, tết đến nhiều nơi, nhiều dân tộc tổ chức các nghi lễ, dâng cúng tổ tiên ông bà hoặc tổ chức các hội hè vui chơi sau những ngày làm việc vất vả. Huyện Cư M'gar có 25 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào Êđê có mặt từ rất lâu đời trên vùng đất này. Nét văn hóa của người Êđê gắn liền với cộng đồng, với thiên nhiên, với đại ngàn. Người Êđê có nhiều lễ hội như: Lễ cúng khi người mẹ mang thai; lễ cúng trước khi sinh; lễ cúng đặt tên thổi tai; lễ cúng đầy tháng; lễ cúng đầy một mùa, ba mùa, bảy mùa, 15 mùa rẫy; lễ cúng trưởng thành (tròn 17 mùa rẫy); lễ hỏi chồng, lễ cưới chồng; lễ cúng sức khoẻ cho đôi vợ chồng trẻ; lễ cúng sức khoẻ hàng năm của mỗi gia đình; lễ cúng sức khoẻ cho chủ nhà khi bước vào tuổi 50, 60, 70, 80…; lễ cúng vào nhà mới; lễ rước kpan; lễ kết nghĩa anh em; lễ tiếp khách; lễ tang, lễ bỏ mả… Trong mùa xuân, đồng bào Êđê tổ chức lễ mừng cơm mới, lễ cúng bến nước, cúng sức khỏe. Cùng với dòng chảy thời gian và sự giao thoa với các dân tộc anh em khác, dần dần các giá trị văn hóa của người Êđê cũng có sự đổi thay. Nhưng điều đáng trân trọng đó là các giá trị văn hóa truyền thống, các phong tục, tập quán tốt đẹp vẫn được duy trì và phát triển. Những năm gần đây, mỗi độ tết đến xuân về, đồng bào Êđê ở huyện Cư M'gar cũng tổ chức ăn tết, vui xuân cùng đồng bào Kinh. Nhiều gia đình còn tổ chức đón tết rất chu đáo. Họ sửa sang lại nhà cửa, gói bánh chưng, bánh tét, trang trí nhà cửa để đón xuân chúc mừng năm mới.

Lễ hội mừng lúa mới

Cũng như nhiều dân tộc khác trên vùng đất Cư M'gar anh hùng, lễ hội là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần đối đồng bào Tày-Nùng. Trong một năm, đồng bào Tày, Nùng ở huyện Cư M'gar tổ chức nhiều ngày hội và ngày tết, nhưng tết tháng giêng là tết lớn nhất, thường kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Trong thời gian này, họ tổ chức nhiều lễ hội truyền thống, trong đó phổ biến nhất là lễ hội Lồng Tồng, hay còn gọi là hội xuống đồng. Lễ hội Lồng Tồng của đồng bào Tày, Nùng nhằm cầu mong cho mưa thuận gió hòa, làm ăn may mắn, mùa màng tươi tốt, gia súc-gia cầm sinh sôi nảy nở. Trong những ngày diễn ra lễ hội, đồng bào Tày-Nùng thường tổ chức các loại hình dân ca, dân vũ, hát then, hát lượn, hội thi làm bánh chưng, bánh giày, heo quay, nấu rượu ngô ủ men lá, làm cơm lam và vui nhất vẫn là hội thi tung còn. Các hoạt động này đều gắn bó mật thiết đến đời sống tình thần của người dân trong vùng.

Còn tết của đồng bào người H' Mông (ở xã Ea Kiết) thường đến sớm hơn tết nguyên đán (của người Kinh) khoảng 01 tháng. Tuy nhiên, do thời vụ sản xuất, đồng bào người H' Mông ăn tết theo lịch chung của người Kinh. Mặc dù cuộc sống mới còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào người H' Mông hiện nay ở xã Ea Kiết đều rất phấn khởi. Bởi trong những năm qua, nhiều chính sách, chương trình đầu tư hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào người H' Mông ở xã Ea Kiết ngày càng được cải thiện rõ nét. Đón xuân Đinh Dậu năm nay, gia đình đồng bào người H' Mông nào cũng chuẩn bị mọi thứ để đón tết trong sự bình an, đầm ấm và vui vẻ…

Tết cổ truyền là dịp để mọi người cùng nhau sum vầy, vui vẻ bên người thân và gia đình. Gác lại những lo toan bộn bề hàng ngày để ngồi lại với nhau chia sẻ những vui buồn, những kinh nghiệm trong lao động, sản xuất. Đồng thời, đây còn là dịp để giáo dục con cháu phát huy truyền thống của cha ông, giữ gìn những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Đây cũng là dịp nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả, cùng người thân thưởng thức những món ăn truyền thống, thăm họ hàng, làng xóm và tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, gắn kết cộng đồng. Qua đó góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trên vùng đất Cư M'gar anh hùng./.

Công Phong

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang