Người chăn nuôi ở huyện Cư M'gar lo lắng khi giá lợn giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi
Mặc dù đến nay địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói chung và huyện Cư M'gar nói riêng chưa ghi nhận xảy ra dịch tả lợn châu Phi, nhưng thời gian gần đây người tiêu dùng đã có biểu hiện "quay lưng" với thịt lợn khiến cho giá thịt lợn liên tục bị sụt giảm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến người chăn nuôi.
Amí H'Thủy ở buôn Trấp xã Cư M'gar hiện có đàn lợn 46 con, trong đó có 40 con lợn thịt. Thời gian gần đây Amí H'Thủy rất buồn khi giá thịt liên tục bị sụt giảm. Thời điểm cuối năm 2018 Amí H'Thủy cung cấp sản phẩm lợn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán với giá đạt trên 50.000đ/kg đã mang lại nguồn thu nhập kha khá cho gia đình chị. Tuy nhiên niềm vui đó không lâu bởi thông tin về dịch tả heo châu Phi thời gian gần đây đã khiến cho gia đình Amí H'Thủy thấp thỏm, không yên tâm vì giá lợn bị giảm mạnh. Amí Thủy ở buôn Trấp xã Cư M'gar cho biết: Hiện nay thương lái đặt giá mua lợn hơi của gia đình chỉ ở mức 37.000đ/kg. Với thời gian 04 tháng chăn nuôi bình quân mỗi con lợn đạt trọng lượng 95kg, trong khi đó chi phí tiền giống, thức ăn cho lợn mỗi còn bị lỗ trên 200.000đ, đó là chưa kể chi phí mua vắc xin phòng bệnh và công chăm sóc. Giá cả như hiện nay gia đình rất lo lắng không biết nên tiếp tục chăn nuôi nữa hay không.
May mắn hơn gia đình Amí H'Thủy, anh Phạm Doãn Thắng ở thôn Tiến Đạt xã Quảng Tiến vẫn có lãi từ chăn nuôi lợn nhưng không nhiều do gia đình anh tự trang trải được con giống. Hiện gia đình có 05 con lợn nái và 65 con lợn thịt, trong đó có 20 con chuẩn bị xuất chuồng. Anh Phạm Doãn Thắng ở thôn Tiến Đạt xã Quảng Tiến nói: Giá cả trước thì mình lời nhiều, giờ giá heo ở mức thấp thì mình vẫn có lời do tự cung cấp được con giống. Hiện nay đối với dịch tả lợn châu Phi ở địa phương nào thì chính quyền địa phương đó đã tổ chức kiểm soát, kiểm dịch chặt chẽ không cho lây lan, không cho xuất ra khỏi địa phương, do đó thịt lợn đều được kiểm soát rất an toàn.
Không những ảnh hưởng đến nguồn thu nhập cho người chăn nuôi mà các tiểu thương bán thịt lợn cũng bị ảnh hưởng do sức mua của người dân bị sụt giảm. Quan sát tại chợ trung tâm huyện cho thấy - các quầy bán thịt lợn hiện rơi vào tình trạng ế ẩm dù giá thịt lợn đã giảm xuống từ 10.000đ đến 15.000đ/kg so với trước đây nhưng vẫn không thu hút sức mua của người tiêu dùng. Chị Huỳnh Thị Lý - tiểu thương ở chợ trung tâm huyện cho biết: Trước đây bình thường mỗi ngày bán được từ 70 đến 80 kg thịt lợn thì nay chỉ bán cỡ 30 đến 40 kg. Giá lợn hạ xuống từ 10.000đ đến 15.000đ/kg nhưng bán cũng không được mấy.
Dù đã hơn 11h trưa nhưng số lượng thịt ở các quầy bán vẫn còn rất nhiều
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Đức - Trưởng Trạm chăn nuôi và thú y huyện Cư M'gar cho biết: Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói chung và huyện Cư M'gar nói riêng hiện chưa ghi nhận bất cứ trường hợp dịch tả lợn châu Phi, nhưng người dân lại rất hoang mang lo lắng và tẩy chay thịt lợn làm cho giá thịt lợn giảm mạnh. Do đó đã làm ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập của người chăn nuôi và các tiểu thương buôn bán thịt lợn trên địa bàn. Hiện nay tất cả các văn bản hướng dẫn từ TW đến địa phương đều đã khẳng định dịch tả lợn châu Phi không lây sang người và khuyến cáo người dân không nên "quay lưng" với thịt lợn sạch đã qua kiểm định của các cơ quan chuyên môn. Ở các tỉnh thành phía Bắc nơi xảy ra dịch tả lợn châu Phi đều đã được các các cơ quan chức năng xử lý, giám sát theo đúng quy định để tránh tình trạng bệnh dịch lây lan ra diện rộng.
Ông Nguyễn Quang Đức - Trưởng Trạm chăn nuôi-thú y huyện Cư M'gar cho biết thêm: Trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi số lượng đàn lợn trên địa bàn huyện giao động khoảng 17.000 con, nhưng hiện nay đàn lợn đã có sự giảm mạnh do người chăn nuôi vội vàng xuất bán vì sợ bị thua lỗ và không tiếp tục tái đàn. Hiện nay huyện Cư M'gar đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể và triệt để nhằm ngăn ngừa, phòng chống sự xâm nhập của bệnh tả lợn châu Phi vào địa bàn. Để chăn nuôi phát triển an toàn người chăn nuôi phải áp dụng các biện pháp phải tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để phòng chống các bệnh trên đàn lợn như: tụ huyết trùng, thương hàn, dịch tả, thường xuyên vệ sinh tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, tăng cường chăm sóc và theo dõi, quản lý đàn, cách ly chăn nuôi không cho sự tiếp xúc nhiều giữa con người với đàn vật nuôi…
Ngoài những giải pháp ngăn ngừa, phòng chống sự xâm nhập của dịch tả lợn châu Phi, hiện nay các địa phương trong huyện còn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân hiểu đúng và sâu sắc thêm về loại bệnh này. Từ đó giúp nhân dân nâng cao nhận thức và nhìn nhận đúng đắn và tránh tình trạng vội vàng "quay lưng" với thịt lợn như hiện nay. Có như vậy người chăn nuôi mới yên tâm tiếp tục đầu tư tái đàn, góp phần đưa ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện phát triển ổn định và bền vững ./.
H Xiu