Thứ tư, ngày 30 tháng 04 năm 2025
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Trong tháng:

Tất cả:

Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
Cập nhật lúc: 14/12/2017

Người nông dân cần thận trọng khi phát triển trồng chanh dây

Trong những năm qua, nhiều diện tích cây chanh dây trên địa bàn huyện nói chung và ở xã Cư Dliê M'nông nói riêng phát triển khá mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Tuy nhiên, việc phát triển cây chanh dây đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh, nguy cơ mất giá, nhiều vườn chanh dây do chất lượng quả không đảm bảo nên phải bán với giá chỉ vài ngàn đồng/kg.

Chị Trần Thị Huế ở thôn 1 xã Cư Dliê M'nông cho biết: Gia đình chị đã đầu tư 01 triệu đồng để mua giống, dây kẽm và tận dụng các trụ hồ tiêu để làm giàn trồng 18 cây chanh dây. Sau 03 tháng trồng, chanh dây bắt đầu cho thu hoạch, bình quân 03 ngày thu hoạch 01 lần. Dù trồng với số lượng không nhiều, nhưng mỗi đợt gia đình chị cũng thu được từ 10 đến 15 kg chanh dây, với giá bán khoảng 10.000/kg, đặc biệt có thời điểm giá chanh dây đạt từ 22.000 đến 28.000 đồng/kg nên đã mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. Hiện nay trên thị trường giá chanh dây dao động từ 10.000 đến 11.000 đồng/kg, nhưng chanh dây của gia đình chị Huế chỉ bán được 2.000 đồng/kg do chất lượng quả không đạt theo yêu cầu. Hiện tượng các vườn chanh dây ra quả không đảm bảo chất lượng đang xảy ra tại nhiều vườn chanh dây trên địa bàn huyện nói chung và ở xã Cư Dliê M'nông. Chị Trần Thị Huế ở thôn 1 - xã Cư Dliê M'nông buồn rầu nói: Chanh dây là cây siêu lợi nhuận nhưng được mùa thôi, ai giỏi chăm thì được lứa thứ 2. Trong tháng 8, tháng 9 vừa qua mưa nhiều, nên vườn chanh dây của gia đình bị bệnh bả trầu, phấn trắng, không trị được, xong mùa này gia đình tôi sẽ phá để chuyển sang cây trồng khác. Chanh dây mắc bệnh năng suất không giảm, nhưng do quả không đẹp, vỏ sần sùi, không bóng nên chỉ bán được 2.000 đồng/kg.

Cũng như gia đình chị Trần Thị Huế, đầu năm nay, gia đình chị Lưu Thị Mùi ở thôn 2 - xã Cư Dliê M'nông cũng đầu tư trồng 20 cây chanh dây trong vườn hồ tiêu của gia đình. Việc chuyển đổi và trồng xen chanh dây trong vườn hồ tiêu chưa mang hiệu quả kinh tế cho gia đình chị Mùi, thì vườn chanh dây của gia đình chị đã bị mắc bệnh, một số cây bị chết, chất lượng quả không đảm bảo nên buộc phải bán với giá thấp (vài ngàn đồng một kg)… Chia sẻ về những khó khăn gặp phải khi trồng chanh dây, chị Lưu Thị Mùi ở thôn 2 - xã Cư Dliê M'nông nói: Thấy trồng chanh dây hiệu quả, năm nay gia đình cũng đưa vào trồng nhưng chỉ mới thu được vài lần, mỗi lần được vài kg, cộng dồn chắc được vài chục kg. Quả thì bị xù xì, đốm, nhìn không đẹp, bán chỉ được 2.000 đồng/kg. Chanh dây của gia đình bị bệnh thối rễ, thối gốc, gia đình đang tính phá đi vì để không có hiệu quả.

Chị Lưu Thị Mùi bên vườn chanh dây của gia đình

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết - cây chanh dây được bà con nông dân trên địa bàn xã Cư Dliê M'nông đưa vào trồng khoảng 03 năm nay. Từ vài hộ trồng ban đầu, đến nay toàn xã đã có hàng chục hộ phát triển loại cây trồng này với diện tích khoảng 15 ha, nhiều hộ có diện tích lên đến 1,5 ha và phần lớn được trồng trong các vườn hồ tiêu. Trong đó tập trung nhiều tại địa bàn thôn 1, thôn 2, thôn 3, thôn Tân Thành, thôn Tân Lập, thôn Dak Hà Tây, thôn Dak Hà Đông. Cây chanh dây là loại cây trồng đòi hỏi chế độ trồng và chăm sóc khá kỹ lưỡng. Hiện nay, nhiều diện tích chanh dây trên địa bàn xã Cư Dliê M'nông đã bị nhiễm bệnh bã trầu, phấn trắng, dẫn đến cây bị chết, hoặc chất lượng quả xấu không được thị trường ưa chuộng… Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Tá Cúc – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Dliê M'nông cho biết: Cây chanh dây rất hiệu quả, nhưng lại tiềm ẩn nhiều bệnh, nhất là bệnh bã trầu và bệnh phấn trắng. Thu lứa thứ nhất, lứa thứ 02 cây chưa mắc bệnh, từ lứa thứ 03 trở đi bệnh sẽ xuất hiện. Bệnh bã trầu dễ chữa, còn phấn trắng thì rất khó, mắc bệnh này thì quả sẽ bị đốm, quả bị teo, bà con thu về chỉ bán được từ 1.500 đến 2.000 đồng/kg. Vì vậy nên bà con không mặn mà với loại cây trồng này, nhiều diện tích bà con bỏ luôn. Hiện nay có khoảng 30 đến 40% diện tích cây chanh dây trên địa bàn xã mắc bệnh này

Mặc dù cây chanh dây được cho là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, nhưng việc phát triển trồng cây chanh dây như hiện nay ở xã Cư Dliê M'nông đã gây ra không ít lo ngại về sự bền vững của loại cây trồng này. Thiết nghĩ, người nông dân cần nên thận trọng và cân nhắc khi phát triển cây chanh dây. Đặc biệt trước khi trồng, cần tìm hiểu kỹ về giống và phải thường xuyên kiểm tra vườn cây để kịp thời phát hiện sâu bệnh gây hại và có cánh xử lý hiệu quả./.

S.Pa

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang