Thứ hai, ngày 24 tháng 02 năm 2025
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Trong tháng:

Tất cả:

Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
Cập nhật lúc: 04/07/2018

Người phụ nữ đam mê với trang phục truyền thống dân tộc Dao

Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao ở thôn 5 - xã Cư Suê là một nghi thức tín ngưỡng thiêng liêng và quan trọng để công nhận sự trưởng thành đối với người đàn ông. Đóng góp giữ gìn cho sự trang trọng, uy nghiêm của buổi lễ Cấp sắc đó chính là sắc phục truyền thống mặc trong buổi lễ được làm nên từ đôi bàn tay khéo léo, nhẫn nại và sự quyết tâm của chị Bàn Thị Bình dân tộc Dao ở thôn 5 xã Cư Suê.

Lễ Cấp sắc của người đàn ông dân tộc Dao là nghi thức bắt buộc để khẳng định họ đã trưởng thành, là con cháu Bàn Vương, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên. Trong buổi lễ Cấp sắc, thầy cúng và người được Cấp sắc phải mặc bộ sắc phục truyền thống riêng phục vụ cho buổi lễ, nên mỗi người đàn ông đồng bào Dao có ít nhất một sắc phục để mặc cho buổi lễ quan trọng này. Cùng với sự phát triển của xã hội, những người biết làm sắc phục truyền thống mặc trong buổi lễ Cấp sắc của đồng bào Dao ngày một hiếm đi, nên ngày nay việc chuẩn bị sắc phục rất khó khăn. Thay vào đó họ phải lên tận các phòng tranh ở thành phố Buôn Ma Thuột để thuê các họa sỹ vẽ họa tiết, hình họa, tô màu sắc mà mình đã làm bản thảo sẵn lên sắc phục, còn các thầy cúng thì tận dụng những bộ sắc phục đã quá cũ kỹ, lâu năm nên Lễ Cấp sắc không còn thể hiện được trang trọng, tôn nghiêm, uy quyền như trước đây. Cơ duyên đến với chị Bàn Thị Bình khi quyết định làm sắc phục truyền thống mặc trong buổi lễ Cấp sắc vào năm 2015 khi chị nhiều lần đi dự các buổi lễ Cấp sắc ở các thôn người Dao trên địa bàn xã, thấy việc ăn mặc để làm lễ không đúng với sắc phục truyền thống bản sắc văn hóa của dân tộc mình, cùng với đó là sự sơ sài, cũ kỹ. Chị Bàn Thị Bình cho biết thêm: Vốn đã yêu thích các sắc phục truyền thống của dân tộc, nên khi nhìn thấy sắc phục truyền thống hoàn toàn không phù hợp trong buổi lễ Cấp sắc, không thể hiện sự trang trọng, uy nghiêm, sự thờ cúng thần linh nên đã thôi thúc chị làm sắc phục truyền thống đúng với dân tộc mình. Đây là sắc phục dành cho nam giới mặc trong buổi lễ Cấp sắc, nên chị Bình đã tham khảo ý kiến của các thầy cúng, già làng khi phụ nữ làm sắc phục trong lễ Cấp sắc có vi phạm điều kiêng kỵ gì không. Chính câu trả là nữ giới được phép làm sắc phục trong lễ Cấp sắc, không vi phạm các điều kiêng kỵ của dân tộc Dao nên chị càng quyết tâm phải làm được sắc phục truyền thống trong lễ Cấp sắc của dân tộc mình. Sắc phục trong buổi lễ Cấp sắc của dân tộc Dao gồm một bộ áo dài liền sát nách và mũ đội. Các hình vẽ, họa tiết thể hiện đầy đủ các vị thần linh có quyền lực tối cao được dân tộc Dao thờ cúng. Trước khi làm chị Bình đã giành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi các kinh nghiệm của các vị thầy cúng, các già làng để thiết kế bộ sắc phục cho đúng. Tưởng chừng đơn giản, nhưng khi bắt đầu làm chị Bình gặp rất nhiều khó khăn, nhiều lúc nản lòng, muốn bỏ cuộc vì sắc phục thêu thùa truyền thống mặc hàng ngày đã khó, đây lại là sắc phục trong buổi lễ Cấp sắc lại càng khó khăn hơn, đòi hỏi nhiều chi tiết hình họa cầu kỳ, tỉ mỉ, màu sắc đa dạng, phong phú, trong khi đó các vật dụng phục vụ cho việc vẽ, thiết kế, tô màu thì thiếu, khó mua…

Một bộ sắc phục truyền thống cho buổi lễ Cấp sắc vừa được chị Bàn Thị Bình hoàn thành

Sau hơn 02 tháng trời miệt mài, ròng rã "bỏ ăn, bỏ ngủ" tập trung cho việc làm sắc phục truyền thống cho buổi lễ Cấp sắc, sắc phục đầu tiên cũng được hoàn thành trong niềm vui mừng khôn siết. Cầm trên tay sắc phục đầu tiên do chính bản thân mình làm ra chị đã chạy ngay tới nhà thầy cúng, người mà đã tận tình chỉ bảo, động viên, khích lệ chị cố gắng hoàn thành sắc phục truyền thống của dân tộc Dao. Chị Bàn Thị Bình bồi hồi nhớ lại: Giây phút khi mình gặp và tặng cho Thầy sắc phục truyền thống này, Thầy đã không cầm được nước mắt và nói rằng rất nhiều năm qua, Thầy mới nhìn thấy được sắc phục cho buổi lễ Cấp sắc ý nghĩa được làm công phu, tỉ mỉ và đẹp như thế này. Đặc biệt vui hơn nữa khi đồng bào Dao lại có thêm một người biết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Từ những lời động viên, khuyến khích đầy chân thành, cảm động của Thầy và người thân - trong suốt thời gian qua, chị Bình không khi nào thôi tìm tòi, nghiên cứu để làm ra những bộ sắc phục truyền thống cho buổi lễ Cấp sắc ngày càng sắc nét, hoàn thiện và đẹp mắt hơn. Đến nay, nhiều người đồng bào Dao ở huyện Cư M'gar đã biết và tìm đến chị Bình để đặt làm sắc phục truyền thống cho buổi lễ Cấp sắc. Không những đam mê với sắc phục truyền thống của dân tộc mình, chị Bàn Thị Bình còn là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Cư Suê. Với vai trò và cương vị của mình, chị Bình luôn thực hiện tốt các hoạt động từ thiện-nhân đạo trên địa bàn và đã được các cấp kịp thời biểu dương, khen thưởng…

Với sự nỗ lực, quyết tâm, kiên trì cùng với ham mê học hỏi nên chị Bàn Thị Bình ở thôn 5 xã Cư Suê đã làm ra được những bộ sắc phục truyền thống đẹp mắt, tỉ mỉ, công phu cho buổi lễ Cấp sắc của đồng bào Dao. Tuy nhiên nỗi băn khoăn, lo lắng của chị Bàn Thị Bình hiện nay đó chính là việc con cháu mình chưa mặn mà để kế thừa, phát huy truyền thống của dân tộc mình, nhất là việc chịu khó làm ra những bộ sắc phục cho buổi lễ Cấp sắc. Vì vậy chị Bình rất mong có sự chung tay giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao từ các cấp, các ngành và cả cộng đồng người Dao, đặc biệt là việc làm ra các bộ sắc phục truyền thống cho buổi lễ Cấp sắc theo đúng ý nghĩa truyền thống của dân tộc Dao, góp phần đa dạng các giá trị văn hóa truyền tốt đẹp trên địa bàn của huyện./.

H'Xiu

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang