Người tiêu dùng huyện Cư M’gar chuộng thực phẩm “cây nhà, lá vườn”…
Trong thời buổi thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, lo lắng ăn phải thực phẩm nhiễm chất tăng trưởng, không rõ nguồn gốc nhiều người tiêu dùng ở huyện Cư M'gar đang có xu hướng lựa chọn những thực phẩm "cây nhà lá vườn" để bảo đảm sức khoẻ cho gia đình và người thân.
Thanh niên xã Quảng Tiến đang giới thiệu các snar phẩm tại cửa hàng của Tổ hợp tác than niên phát triển kinh tế "Nông sản sạch"
Nhiều năm nay, các loại rau, củ, quả thường được chị Võ Thị Ngọc ở xã Quảng Tiến chọn mua từ chính người nông dân tại địa phương, hay những người thân quen vì cảm thấy an tâm với chất lượng sản phẩm và sạch. Những mặt hàng khác như: gạo, cá… đều được gia đình đặt hàng từ những người thân ở quê gửi lên. Chị Ngọc cho hay: "Để mua và sử dụng được những sản phẩm thật sự sạch và an toàn không phải dễ. Do đó, gia đình tôi vẫn ưu tiên chọn các sản phẩm từ chính người nông dân để mua về sử dụng. Dù không thể chắc chắn các thực phẩm đảm bảo 100% nhưng vẫn sẽ an toàn, chất lượng hơn…".
Tương tự, chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh ở thôn Tiến Thành (xã Quảng Tiến) cũng luôn ưu tiên chọn thực phẩm "cây nhà lá vườn". Chị thường mua tại các hộ dân ở địa phương hay trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo của bạn bè. Theo chị Ánh, dù các sản phẩm này có thể có giá đắt hơn một chút so với ngoài thị trường nhưng khi sử dụng thì vẫn yên tâm về chất lượng.
Theo một số người tiêu dùng, các loại thực phẩm "cây nhà lá vườn" thường là "sạch" vì do người dân tự nuôi, tự trồng, hay đánh bắt được ngoài tự nhiên, không sử dụng chất kích thích, hoặc nếu có cũng ở một lượng không đáng kể nên có hương vị đậm đà và thơm ngon hơn những mặt hàng cùng loại đang bày bán ở ngoài chợ. Để có thực phẩm sạch sử dụng, nhiều hộ gia đình đã tự nuôi gà, vịt và trồng rau xanh trong các thùng xốp, chậu hoa…
Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, một số người dân trên địa bàn huyện, nhất là những thanh niên đã liên kết thành lập tổ hợp tác cung ứng thực phẩm sạch ở địa phương, hay chuyển sang việc buôn bán cung cấp thực phẩm "cây nhà lá vườn" được mua tại các vùng quê cho người tiêu dùng. Đặc biệt, với sự trợ giúp đắc lực của các trang mạng xã hội nên thị trường mua, bán các loại thực phẩm này cũng ngày càng trở nên nhộn nhịp, sôi động không kém ở các chợ truyền thống.
Hiện nay, lên các mạng xã hội Facebook, Zalo, người tiêu dùng không khó để tìm được những "gian hàng" bày bán những thực phẩm vườn nhà, hàng quê như: gà, cá, thịt heo, cũng như các loại rau củ quả và trái cây... Nhìn chung, hầu hết những thực phẩm này thường có mẫu mã không đẹp như: trái nhỏ, màu sắc không được tươi ngon nhưng có giá bán lại bằng, thậm chí còn cao hơn các sạp bán trong chợ nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn lựa chọn.
Thực tế cho thấy, trước tình trạng thực phẩm bẩn vây quanh như hiện nay thì tâm lý người tiêu dùng thích chọn những thực phẩm "cây nhà lá vườn" là điều tất yếu. Tuy nhiên, cũng từ nhu cầu này đã vô tình tạo ra một số đầu nậu gom hàng trôi nổi rồi gắn mác hàng "sạch" để bán với giá cao. Do vậy, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu và lựa chọn những người bán hàng uy tín và có nguồn gốc rõ ràng.../.
-S.Pa- 26.2.3