Người trồng cà tím Nhật Bản ở thị trấn Ea Pốk không tiêu thụ được sản phẩm do bị ảnh hưởng bởi bệnh Covid-19
Mặc dù mới đưa vào trồng thử nghiệm nhưng mô hình trồng cà tím Nhật Bản do các thành viên tổ hợp tác trồng rau sạch ở thôn Tân Tiến thị trấn Ea Pốk liên kết với công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Bảo An (huyện Krông Năng) bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Bảo An không thu mua theo hợp đồng đã được ký kết với người nông dân nên khiến cho người trồng cà tím Nhật Bản gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, thậm chí nhiều hộ đã phải chặt bỏ vườn cây khi cà tím đang trong giai đoạn thu hoạch để chuyển đổi sang các loại cây trồng khác.
Những quả cà tím của gia đình Ông Khang quá thời gian thu hoạch không tiêu thụ được
Hộ gia đình ông Lê Văn Khang (ở thôn Tân Tiến thị trấn Ea Pốk) liên kết với công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Bảo An (huyện Krông Năng) trồng cây cà tím Nhật Bản trên diện tích 05 sào đất và là hộ có diện tích trồng cà tím nhiều nhất trong tổ hợp tác. Ông Khang cho biết: Vườn cà tím của gia đình được trồng từ tháng 11/2019 với chi phí đầu tư ban đầu trên 75 triệu đồng để mua giống, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, làm hàng rào bao xung quanh, mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhân công trồng, chăm sóc. Từ thời điểm trồng đến nay, gia đình ông đã thu hoạch hơn 4,5 tấn cà tím với giá bán ký kết với công ty 7.000đ/kg và đã thu về số tiền trên 31 triệu đồng, tuy nhiên công ty vẫn còn nợ chưa thanh toán cho gia đình ông 1,7 tấn cà tương đương với số tiền gần 12 triệu đồng. Hiện nay vườn cà tím của gia đình ông Khang tiếp tục đang cho thu hoạch, dự kiến sản lượng đạt khoảng 02 tấn. Nhưng do bị ảnh hưởng bởi đại bệnh Covid-19, nên từ đầu tháng 04/2020 công ty không tiến hành thu mua như hợp đồng đã ký kết ban đầu khiến cho gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí lỗ to. Không có nơi tiêu thụ sản phẩm, thời gian này gia đình ông Khang bỏ mặc vườn cà, không chăm sóc nên làm cho quả lứa cà tím đợt này bị sâu bệnh và các loại côn trùng tấn công, quả bị hư hại nhiều, ước tính thiệt hại khoảng một nửa sản lượng. Tiếc cho mồ hôi và công sức bỏ ra sau một thời gian chăm sóc vườn cà, vợ ông Khang cùng một vài người thân đã hái cà mang đi bán lẻ ở một số khu vực chợ nhằm vớt vát thiệt hại nhưng số lượng tiêu thụ cũng không đáng kể. Mặt dù bị thiệt hại nhưng đình ông Khang vẫn phải quyết định phá bỏ vườn cà tím để chuyển sang các loại rau củ quả khác để có thu nhập, ổn định cuộc sống. Trong khi thực hiện phá bỏ được khoảng 500 m2 diện tích vườn cà tím thì gia đình ông Khang được Hội LHPN thị trấn Ea Pốk đến khuyên giải, bàn bạc để tìm hướng tiêu thụ cho sản phẩm. Vì vậy gia đình ông Khang đã quyết định dừng việc phá bỏ vườn cây, chủ động cùng các thành viên trong gia đình tiếp tục thu hoạch những quả cà tím chưa bị hư hại cũng như chăm sóc lại vườn cây. Ông Lê Văn Khang ở tổ dân phố Tân Tiến, thị trấn Ea Pốk buồn rầu cho biết: Trong trường hợp này thì bất khả kháng, công ty cũng muốn thu mua sản phẩm của bà con, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đã ảnh hưởng chung đến nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của gia đình. Đầu tư 5.000 m2 để trồng, gia đình không có nhân công nên phải thuê mướn. Tính đến nay vừa bước vào thu hoạch chính vụ thì bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ảnh hưởng nặng nề về kinh tế của gia đình.
Cũng như gia đình ông Khang, gia đình ông Lê Văn Mùa ở tổ dân phố Tân Tiến (thị trấn Ea Pốk) cũng liên kết với công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Bảo An (huyện Krông Năng) trồng cà tím trên diện tích nửa sào đất của gia đình. Ông Mùa chia sẻ: Trồng cà tím đơn giản, thu nhập khá, được bao tiêu đầu ra của sản phẩm. Sau thời gian hơn 05 tháng trồng cà tím Nhật Bản gia đình đã thu hoạch được 2,5 tấn cà, thu nhập 17,5 triệu đồng, trừ tất cả các chi phí đầu tư gia đình thu lãi khoảng 15 triệu đồng. Mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại rau củ quả khác, nhưng do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên công ty không thu mua và bao tiêu sản phẩm, còn việc thu hoạch để bán lẻ ở chợ thì không đáng kể. Vì vậy gia đình đã quyết định chặt bỏ đi vườn cây để chuyển đổi sang trồng các loại rau củ quả truyền thống. Ông Lê Văn Mùa ở tổ dân phố Tân Tiến (thị trấn Ea Pốk) cho biết thêm: Trồng cà tím Nhật Bản rất hiệu quả nhưng do vì dịch bệnh nên công ty không thu mua được. Để thì cà nó già, bán cũng không được nên gia đình chấp nhận phá dù xót lắm, tiếc lắm nhưng phải chấp nhận. Nếu đầu ra ổn định trồng cà tím Nhật Bản thu nhập cao hơn so với các loại cây trồng khác.
Bà Bùi Thị Oanh - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Ea Pốk cho biết: Mô hình trồng cà tím Nhật Bản do các thành viên của tổ hợp tác trồng rau sạch ở tổ dân phố Tân Tiến liên kết với công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Bảo An (huyện Krông Năng) trồng thử nghiệm với 06 thành viên tham gia, mỗi gia đình trồng từ 500 m2 đến 5.000 m2. Đây là mô hình phát triển kinh tế được đánh giá là hiệu quả vì xây dựng được chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người trồng, đảm bảo nguồn cung cầu của sản phẩm, mang lại thu nhập cho người sản xuất. Vì vậy cuối năm 2019, Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk đã lựa chọn và hỗ trợ cho tổ hợp tác trồng rau sạch ở tổ dân phố Tân Tiến (thị trấn Ea Pốk) vay vốn với số tiền 100 triệu đồng từ quỹ "Hỗ trợ phụ nữ khởi sự" để hỗ trợ các thành viên phát triển mô hình trồng cà tím Nhật Bản. Tuy nhiên đến khi thu hoạch, do bị ảnh hưởng của đại dịch bệnh Covid-19 nên công ty không thu mua sản phẩm như hợp đồng đã được ký kết khiến cho người trồng cà tím lao đao trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Không có nơi tiêu thụ sản phẩm, tiếp tục duy trì chăm sóc vườn cây thì tốn thời gian, tăng chi phí, vì vậy nhiều thành viên đã chặt bỏ vườn cà tím đang trong thời kỳ thu hoạch để chuyển sang các loại cây trồng khác, ổn định kinh tế cho gia đình. Bà Bùi Thị Oanh - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Ea Pốk tâm sự: Chị tổ trưởng báo với Hội trễ về việc công ty không thu mua sản phẩm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nếu báo sớm thì mình có thể xử lý để giải cứu, nhưng do báo trễ nhiều hộ đã chặt bỏ vườn cây. Hội Phụ nữ thị trấn cũng đã báo cáo với Hội LHPN huyện, Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk để có kế hoạch hỗ trợ "giải cưu", tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong khi đó thì Hội cũng đã vận động chị em tiếp tục thu hái mang đến chợ thị trấn Ea Pốk, chợ thị trấn Quảng Phú và chở đến UBND thị trấn để Hội vận động cán bộ, công nhân, viên chức người lao động mua ủng hộ để gỡ gạt phần nào thiệt hại cho người trồng.
Nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, giúp cây cà tím Nhật Bản phát triển ổn định, tạo thu nhập cho người sản xuất - Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk đã vận động được một doanh nghiệp ở thành phố Buôn Ma Thuột hỗ trợ thu mua sản phẩm cà tím Nhật Bản cho các thành viên trong tổ hợp tác rau sạch ở tổ dân phố Tân Tiến thị trấn Ea Pốk. Qua quá trình làm việc và đi khảo sát thực tế, doanh nghiệp này đã đồng ý thu mua sản phẩm cho người trồng nhưng trong lứa sau, bởi lứa cà tím lần này quả bị hư hại nhiều, không đạt chất lượng và cà đã già vì quá thời gian thu hoạch. Bên cạnh đó Hội LHPN huyện cũng đã triển khai nhiều giải pháp để "giải cứu" những quả cà tím chưa bị hư hại trong lứa cà này nhằm chia sẻ khó khăn, giúp người trồng giảm bớt thiệt hại kinh tế do bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Kết quả đến nay các cở Hội LHPN trong huyện đã tuyên truyền, vận động và đã bán giúp cho các thành viên trồng cà tím Nhật Bản ở thị trấn Ea Pốk được 800 kg cà tím với giá bán 10.000đ/kg ./.
H'Xiu ÊBan