Nhân dân xã Ea Tul huyện Cư M’gar gặp nhiều khó khăn trong việc tái canh cà phê
Trong thời gian qua, bà con nông dân trên địa bàn xã Ea Tul đã nhổ bỏ nhiều diện tích cây cà phê do già cỗi, kém năng suất để thực hiện việc tái canh. Tuy nhiên, việc thực hiện tái canh cà phê của bà con nông dân nơi đây hiện nay gặp khá nhiều khó khăn.
Đầu năm 2017, gia đình Ama Long ở buôn Tu - xã Ea Tul đã mạnh dạn phá bỏ gần 08 sào cà phê già cỗi của gia đình để thực hiện tái canh. Đây là những diện tích càfê được gia đình Ama Long trồng từ năm 1990 cho hiệu quả kinh tế không cao. Ama Long cho biết: "Nếu thực hiện chu kỳ luân canh từ 02 đến 03 năm với các loại cây trồng ngắn ngày rồi mới trồng cà phê, thì gia đình sẽ mất một khoản thu nhập đáng kể. Tuy nhiên do diện tích càfê này đã già cỗi, chi phí đầu tư chăm sóc cao, nhưng năng suất không đạt, vì vậy gia đình anh đành phải đầu tư gần 20 triệu đồng để nhổ bỏ, dọn rễ, đào hố và mua phân chuồng, phân vi sinh xử lý đất để sớm đưa cây cà phê vào trồng". Để giảm chi phí mua giống và đảm bảo chất lượng giống cây, anh đã đăng ký với Phòng Nông nghiệp và phát triển nông huyện với số lượng 800 cây giống cà phê thực sinh. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, Phòng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn huyện chưa cấp giống nên gia đình anh chưa trồng được. Trước đó, gia đình Ama Long cũng đã đầu tư trồng 120 cây sầu riêng (giống Donatechno) và 400 trụ hồ tiêu.
Gia đình anh Ama Nê Ly ở buôn Sah A có gần 01 ha đất canh tác, trong đó có hơn 06 sào cà phê đã bước vào năm thứ 05 năm và 2,5 sào cà phê già cỗi được trồng từ năm 1990 mới được nhổ bỏ đề tái canh. Vừa qua gia đình Ama Nê Ly đã mua trên 290 cây giống cà phê TR12 với giá 3.000 đồng một cây để trồng. Tuy nhiên do hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, nên việc xử lý đất và các tàn dư trong đất chưa được triệt để. Tuy có biết đến nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ cho nhân dân vay tái canh cà phê, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, Ama Nê Ly chưa tiếp cận được với nguồn vốn này.
Xã Ea Tul là một trong những địa phương có diện tích cà phê lớn của huyện với gần 4.300 ha. Tuy nhiên phần lớn diện tích cà phê trên địa bàn xã Ea Tul được trồng từ thập kỷ 90 đến nay đã già cỗi, kém năng suất, cần được tái canh. Từ năm 2015 đến 2016, bà con nông dân ở xã Ea Tul đã thực hiện tái canh được 83 ha cà phê. Từ đầu năm 2017 đến nay, chính quyền xã Ea Tul đã vận động, khuyến khích bà con nông dân chủ động thực hiện tái canh và đăng ký giống cà phê thực sinh tại Phòng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn huyện để hỗ trợ cho bà con nông dân. Tuy nhiên, xã Ea Tul là địa bàn có 98% dân số là người đồng bào dân tộc tại chỗ, trình độ canh tác còn nhiều hạn chế, đời sống kinh tế khó khăn, nên việc tái canh đã làm ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của nhân dân. Do đó người dân nơi đây không mấy mặn mà với việc tái canh, nên việc tái canh trên địa bàn xã diễn ra chậm, mang tính tự phát là chính. Vì vậy sau khi nhổ bỏ cà phê già cỗi xong, nhiều hộ gia đình ở xã Ea Tul chưa thu gom triệt để rễ cây và xử lý đất theo đúng quy trình, kỷ thuật, chưa tuân thủ chu kỳ luân canh các loại cây ngắn ngày để cảo tạo đất mà đã tiến hành trồng. Việc làm này khiến vườn cà phê tái canh chỉ sau từ 02 đến 03 năm đã phát sinh dịch bệnh, cây phát triển kém, vàng lá, khâu chăm sóc tốn kém…
Những khó khăn của bà con nông dân trên địa bàn xã Ea Tul thời gian qua cũng là thực trạng chung của bà con nông dân trên địa bàn huyện Cư M'gar trong việc thực hiện tái canh cà phê. Vì vậy Ngành nông nghiệp huyện Cư M'gar cần triển khai nhanh những giải pháp đồng bộ để hỗ trợ cho người dân thực hiện chương trình tái canh cà phê theo đúng kế hoạch đã đề ra./.
H Xiu